MENU TOP TITLE V A Nông nghiệp bền vữngBiến đổi khí hậuHoạt động mạng lướiVận động chính sáchSự kiện

Đối tác chiến lược của

noi that hoa phat

Thông cáo Báo chí Hội thảo Tổng kết Dự án

EU                                              FERN                                                 VNGO                            srd

Dự án "Thúc đẩy chương trình FLEGT tại vùng Đông Nam Á thông qua sự tham gia chủ động của các tổ chức xã hội - CSO"

THÔNG CÁO BÁO CHÍ
HỘI THẢO TỔNG KẾT DỰ ÁN

Hà Nội, 03/4/2017

Từ năm 2010, Tổng cục Lâm nghiệp thay mặt Chính phủ Việt Nam đã tham gia vào tiến trình đàm phán song phương với Liên minh Châu Âu (EU) về Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (viết tắt là VPA-FLEGT). Mục đích của đàm phán Hiệp định VPA là hai bên đạt được một thỏa thuận hợp tác, tăng cường gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Liên minh Châu Âu có nguồn gốc hợp pháp, thông qua quy trình cấp giấy phép FLEGT của Việt Nam; đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam mở rộng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường này. Liên minh Châu Âu coi trọng vai trò và sự tham gia của tất cả các bên liên quan đặc biệt là các cộng đồng người dân địa phương sống phụ thuộc vào rừng và tài nguyên rừng và đòi hỏi vai trò và quyền lợi của người dân địa phương, các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng và tài nguyên rừng cần phải được tăng cường.

Dự án "Thúc đẩy chương trình FLEGT tại vùng Đông Nam Á thông qua sự tham gia chủ động của các tổ chức xã hội - CSO" được Liên minh Châu Âu tài trợ thông qua tổ chức FERN từ năm 2014 đến tháng 5/2017. Dự án đã được triển khai ở 5 quốc gia là: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Malaysia. Tại Việt Nam, Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD), với vai trò Chủ tịch Ban điều hành Mạng lưới Các tổ chức Phi chính phủ Việt Nam về Thực thi Lâm luật, Quản trị Rừng và Thương mại Lâm sản (VNGO-FLEGT), là đơn vị điều phối và triển khai dự án. Đối tượng tham gia dự án chủ yếu là cán bộ của 61 tổ chức VCSO/VNGO đã đăng ký tham gia VNGO-FLEGT. Ban điều hành VNGO-FLEGT hiện tại gồm 3 tổ chức: Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD): Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng (SFMI) và Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài Nguyên (CORENARM).

Để chia sẻ các kết quả của dự án đã đạt được và xây dựng định hướng hoạt động khi dự án kết thúc, Mạng lưới VNGO-FLEGT sẽ tổ chức hội thảo tổng kết dự án vào ngày 04/4/2017 tại Hà Nội với sự chủ trì của Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Đại diện Ban điều hành Mạng lưới VNGO-FLEGT và Đại diện tổ chức FERN.

Tham dự hội thảo dự kiến sẽ có khoảng 70 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động Thực thi Lâm luật, Quản trị Rừng và Thương mại Lâm sản; Các tổ chức tài trợ quốc tế; Các tổ chức Phi chính phủ Quốc tế tại Việt Nam; Các tổ chức xã hội tham gia mạng lưới VNGO-FLEGT, và các cơ quan báo chí truyền thông.

Hội thảo sẽ có các bài trình bày cập nhật về VPA-FLEGT giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, chia sẻ về các kết quả dự án đã đạt được, chia sẻ về kết quả đánh giá hiện trạng tuân thủ quy định gỗ hợp pháp của các hộ gia đình trồng rừng, mua bán vận chuyển và chế biến gỗ trên địa bàn 8 tỉnh của Việt Nam do Mạng lưới VNGO-FLEGT thực hiện.

Thông qua hội thảo, Ban tổ chức mong muốn các kết quả dự án sẽ được ghi nhận bởi các bên liên quan; đồng thời xác định được phương hướng duy trì nhân rộng các kết quả đã đạt được khi dự án kết thúc.

Đại diện cho Liên minh Châu Âu - đơn vị tài trợ cho dự án, ông Hoàng Thành cho biết "Dự án được triển khai trong bối cảnh Liên minh Châu Âu và Việt Nam trải qua 3 vòng đàm phán chính thức về VPA-FLEGT. Nhiều vấn đề mới đã được đề cập trong đó có yêu cầu tạo điều kiện để tham vấn nguyên vọng của các bên có liên quan như doanh nghiệp, tổ chức Phi chính phủ Việt Nam/các tổ chức xã hội (VNGO/CSOs) và cộng đồng người dân địa phương, những đối tương có khả năng bị ảnh hưởng khi triển khai thực hiện Hiệp định này. Thông qua việc điều phối, nâng cao năng lực cho các thành viên của Mạng lưới VNGO-FLEGT và VNGO/CSOs và cộng đồng địa phương cũng như triển khai các diễn đàn vận động chính sách tại trung ương và các địa phương, dự án đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức của các đối tác về những nỗ lực của cả Việt Nam và Liên minh Châu Âu trong suốt tiến trình đàm phán, đồng thời giúp cho các bên đàm phán VPA-FLEGT hiểu rõ hơn được vai trò của VNGO/CSOs trong tiến trình đàm phán vừa qua".

FERN là một tổ chức Phi chính phủ quốc tế có trụ sở tại Bỉ, có hoạt động cấp toàn cầu đã luôn vận động Liên minh Châu Âu ủng hộ các tổ chức xã hội/tổ chức Phi chính phủ (CSO/NGOs) tham gia và đóng góp vào tiến trình đàm phán và thực thi VPA-FLEGT. Ông Rudi Kohnert, đại diện tổ chức FERN có nhiều trăn trở với tiến trình đàm phán hiệp định VPA-FLEGT giữa Việt Nam, và Liên minh Châu Âu "Vì lợi ích của người Việt Nam và rừng Việt Nam, Hiệp định VPA-FLEGT cần có tính đáng tin, bền vững và được chấp thuận bởi các bên có liên quan. Tại Việt Nam, Hiệp định VPA-FLEGT đã tạo cơ hội cho một số CSO/NGOs tham gia vào các quyết định về quản lý rừng và thương mại gỗ. Câu hỏi cho tương lai là liệu các VNGO/CSOs có tiếp tục được tham gia vào quá trình này nữa hay không và liệu hiệp định VPA-FLEGT giữa Việt Nam, và Liên minh Châu Âu có đạt đến chuẩn mực như các hiệp định VPA-FLEGT khác hay không?

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) với nhiệm vụ Tư vấn, Phản biện và Giám định xã hội, và là cơ quan chủ quản của nhiều tổ chức xã hội/tổ chức phi chính phủ khác đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động của VNGO/CSOs tham gia vào tiến trình đàm phán VPA-FLEGT ở Việt Nam. Với cương vị là Phó Chủ tịch VUSTA, Ông Nghiêm Vũ Khải đề nghị: "Trong thời gian tới, SRD và Mạng lưới VNGO-FLEGT cần tiếp tục chủ động tham gia hỗ trợ các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng khi Hiệp định VPA/FLEGT được thực thi tại Việt Nam. Đặc biệt, cần tập trung vào việc đánh giá các tác động của Hiệp định VPA/FLEGT đến sinh kế của các cộng đồng này từ đó kịp thời phản hồi đến các cơ quan chức năng nhằm góp phần đảm bảo người dân không bị tổn hại mà còn được hưởng lợi từ hiệp định".

Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) đã thành công với vai trò đi tiên phong và hỗ trợ các tổ chức xã hội tham gia mạng lưới VNGO-FLEGT đưa tiếng nói và nguyện vọng từ cấp cơ sở đến đoàn đàm phán VPA-FLEGT thông qua các nghiên cứu đánh giá tác động tham vấn cộng đồng. Bà Vũ Thị Bích Hợp, Giám đốc SRD, Chủ tịch BĐH Mạng lưới VNGO-FLEGT cho biết: "Mạng lưới VNGO-FLEGT ra đời năm 2012 nhằm truyền tải các thông tin và chính sách về Quản tri Lâm nghiệp, về quá trình đàm phán VPA/FLEGT của Chính phủ đến với các tổ chức phi chính phủ ở các tỉnh thành, nơi có nhiều cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng, vùng sâu xa, người dân tộc thiểu số,... Đồng thời mang tiếng nói của họ đến với đoàn đàm phán, để những vấn đề của người dân nghèo, dễ bị tổn thương được phản ánh kịp thời và hiệu qủa".

Để biết thêm thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ:

Bà Vũ Thị Bích Hợp
Chủ tịch Ban điều hành Mạng lưới VNGO-FLEGT, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD)
Địa chỉ: Số 56, ngách 19/9 Kim Đồng, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0904649791 - Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Ông Trần Ngọc Tuệ
Trưởng phòng FLEGT, Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD), Điều phối dự án
Địa chỉ: Số 56, ngách 19/9 Kim Đồng, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0912760930 - Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Đối tác chiến lược ngành in

in bạt