MENU TOP TITLE V A Nông nghiệp bền vữngBiến đổi khí hậuHoạt động mạng lướiVận động chính sáchSự kiện

Đối tác chiến lược của

noi that hoa phat

Trải nghiệm và áp dụng các mô hình thích ứng và giảm nhẹ BĐKH

Người dân tại huyện Thuận Châu nói chung và bốn xã Muổi Nọi, Bon Phặng, Chiềng Pha và Nậm Lầu nói riêng đang phải đối mặt với hàng loạt những điều kiện thời tiết bất lợi như rét đậm rét hại, sương muối, mưa lũ, sạt lở đất cho đến tình trạng khô hạn, nắng nóng bất thường kèm tình trạng thiếu nước đang diễn ra ngày một phổ biến hơn trong những năm gần đây, khiến các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi và cuộc sống của họ bị ảnh hưởng.

Canh tác nông - lâm nghiệp thích ứng với những tác động tiêu cực bởi BĐKH, đã, đang và sẽ là một ưu tiên hàng đầu của Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) trong nỗ lực cùng người dân, các bên liên quan tại các tỉnh thực hiện dự án và nhiều tổ chức NGOs khác cùng tìm ra những giải pháp cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề nêu trên.

Dự án “Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp tại vùng núi Tây Bắc”, do tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (Đức) tài trợ, đã được thực hiện bởi Trung tâm SRD từ tháng 1, năm 2021 với nhiều hoạt động và mô hình thiết thực. Trong khuôn khổ hoạt động của dự án, từ ngày 26/2 đến 1/3/2022, SRD đã phối hợp cùng các đối tác tại tỉnh Sơn La và huyện Thuận Châu tổ chức 04 chuyến thăm quan chéo các mô hình nông nghiệp, nông lâm kết hợp, quản lý nguồn nước tại bốn xã gồm Muổi Nọi, Chiềng Pha, Bon Phặng và Phổng Lái.

Đợt thăm quan này đã thu hút 138 người (71 nữ và 67 nam) là đại diện cho ban quản lý 16 bản tại 4 xã dự án, lãnh đạo 4 xã dự án, đại diện phòng Nông nghiệp huyện Thuận Châu, Hạt kiểm lâm huyện Thuận Châu, cán bộ Chi cục TT và BVTV tỉnh Sơn La. Các mô hình cụ thể đã được thăm quan, trải nghiệm và trao đổi tại 4 xã gồm: mô hình canh tác cà phê và nông lâm kết hợp; mô hình chăn nuôi tổng hợp (gà, lợn, bò, dê); mô hình quản lý nước và quản lý rừng; mô hình nhóm tiết kiệm thôn bản (VSLA).

Theo chia sẻ và phản hồi của những thành viên đoàn thăm quan thì tất cả các mô hình được thăm tại 4 xã dự án đều có những kết quả tích cực, đặc biệt là các mô hình quản lý nước sinh hoạt tại bản Ngà Phát, xã Chiềng Pha; mô hình nhóm tiết kiệm tại bản Bon, xã Bon Phặng; mô hình canh tác cà phê xen mận tại bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi và mô hình trồng cà phê và nông lâm kết hợp tại xã Phổng Lái. Một điểm chung nhất của tất cả các mô hình đã và đang thành công đó là đã nhận được sự đồng thuận và cùng tham gia của các thành viên trong nhóm, trong bản cũng như sự nỗ lực của từng thành viên trong mỗi gia đình có các mô hình.

Cụ thể hơn, tại mô hình quản lý nguồn nước sinh hoạt tại bản Ngà Phát, các thành viên đều tâm đắc và muốn học hỏi về phương pháp điều tiết nước cho 230 hộ gia đình của bản. Phương pháp điều tiết và quản lý nước của bản rất hợp lí và khoa học. Hệ thống nước được trưởng bản và tổ quản lí nước của bản thiết kế, bao gồm một bể chia nước khoảng 5m2 với 27 đầu ống nước fi 27 chảy về cho 27 nhóm hộ gia đình (mỗi nhóm từ 5 đến 10 hộ). Mỗi ống nước đều được phân chia với lượng nước chảy đều nhau và tổ quản lý nước có thể dùng khóa để quản lý và bảo vệ 27 đầu ống nước này. Phương pháp quản lý và điều tiết nước này đã thực hiện từ năm 2017 đến nay và được toàn bộ các hộ dân trong bản đánh giá rất cao bởi gia đình nào cũng có đủ nước để dùng, kể cả trong mùa khô hạn, hoàn toàn không có tình trạng sử dụng nước sinh hoạt sai mục đích, không có hiện tượng phá hoại đường ống nước của nhau..

1 web

Mô hình quản lý và điều tiết nước tại bản Ngà Phát - xã Chiềng Pha.

Mô hình tiếp theo mà các thành viên đánh giá cao đó là các mô hình canh tác cà phê bền vững và nông lâm kết hợp. Kỹ thuật mà các thành viên học được và có thể áp dụng dễ dàng tại gia đình đó là họ sẽ trồng xen/ trồng bổ sung một số loài đa tác dụng, vừa có thể che bóng, vừa lấy quả, lấy hạt hoặc gỗ trong các nương cà phê như cây xoan, cây giổi xanh, cây trám đen. Người dân cũng có ý tưởng sẽ trồng thêm cỏ chăn nuôi ở ven nương hoặc các dải phân cách nương, các ria đường đồng mức để có thêm nguồn thức ăn cho vật nuôi và bảo vệ đất, giảm xói mòn trong mùa mưa. Kỹ thuật canh tác cà phê bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu như thay thế phân hóa học bằng các loại phân chuồng ủ hoai và phân xanh hữu cơ, tỉa cành tạo tán hàng năm theo đúng hướng dẫn của dự án cũng được bà con các xã hưởng ứng nhiệt tình, cam kết sẽ kiên trì áp dụng trong các năm tới. 

2 web

Các mô hình cà phê xen mận bền vững và nông lâm kết hợp

Chăn nuôi tổng hợp cũng là một mô hình cuốn hút nhiều thành viên đoàn tham quan. Đây là mô hình giúp các hộ gia đình cải thiện thu nhập, cải thiện nhu cầu thực phẩm cũng như tăng thêm lượng phân bón hữu cơ cho cây trồng. Điều tích cực mà các thành viên học được từ mô hình này là việc sử dụng các giống vật nuôi có nguồn gốc bản địa để tăng sức chống chịu với bệnh dịch và thời tiết khắc nhiệt, có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như sắn, ngô, thân cây chuối, cỏ…

Với mô hình nhóm tiết kiệm thôn bản (VSLA), nhiều thành viên tại các bản đã và đang vận hành mô hình này đều thấy được những điểm rất tốt mà nó đem lại, trong đó nổi bật là thể hiện sự đoàn kết giữa các thành viên với nhau, chủ động nguồn vốn nhỏ để hỗ trợ nhau hàng tháng, đặc biệt là với những thành viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Các thành viên ở các bản khác chưa có nhóm VSLA như bản Phặng, Noong Ỏ của xã Bon Phặng, bản Sẳng Sang, Muổi Nọi của xã Muổi Nọi đã rất quan tâm và cam kết sẽ về trao đổi với các gia đình trong bản để có thể thành lập nhóm này trong năm 2022.

web

Mô hình nhóm tiết kiệm thôn bản (VSLA).

Tựu chung lại, những trải nghiệm về các mô hình đã học hỏi từ chuyến thăm quan chắc chắn sẽ được các thành viên và UBND 4 xã cùng SRD và các bên liên quan trong dự án tiếp tục triển khai, áp dụng và nhân rộng trong năm 2022, 2023 và các năm tiếp theo, với mục tiêu hỗ trợ để người dân chủ động thích ứng tốt hơn nữa để giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực bởi BĐKH.

Đối tác chiến lược ngành in

in bạt