Trong 3 ngày từ 12 đến 14/8/2015, Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) đã tổ chức chuyến “Thăm quan mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng” tại xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An cho 35 thành viên tiêu biểu của 7 Tổ Quản lý bảo vệ rừng thuộc 3 xã Yên Lạc, Ôn Lương và Đông Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cùng đại diện UBND huyện Phú Lương, Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và đại diện cán bộ SRD. Đây là hoạt động của dự án “Quản lý và sử dụng đất có sự tham gia tại Phú Thọ và Thái Nguyên” (VM048) do SRD thực hiện với sự tài trợ của Manos Unidas.
Mục đích của chuyến thăm nhằm giúp các thành viên của huyện Phú Lương có thêm động lực để tự quản lý, bảo vệ và phát triển diện tích rừng tự nhiên tái sinh sau này thông qua việc chia sẻ những kinh nghiệm, phương pháp, kỹ năng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng dựa vào cộng đồng của xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành.
Một trong những ấn tượng đầu tiên mà đoàn thăm quan có được khi đến xã Vĩnh Thành là những khẩu hiệu tích cực của người dân nơi đây trong hoạt động truyền thông hướng tới việc bảo vệ và quản lý rừng, như: "Ông trồng cháu chăm", "Còn rừng là còn của"…
Tại xã Vĩnh Thành, các thành viên của huyện Phú Lương đã được Tổ Lâm nghiệp cộng đồng xã Vĩnh Thành tiếp đón và cùng chia sẻ, thảo luận những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong quản lý và bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng.
Cán bộ của SRD và của xã Vĩnh Thành chia sẻ kinh nghiệm quản lý và phát triển rừng dựa vào cộng đồng
Tiếp đó, đoàn đã trực tiếp đi thăm quan rừng tại xã Vĩnh Thành và trao đổi sâu thêm về những kinh nghiệm quản lý và phát triển rừng dựa vào cộng đồng nơi đây. Thực tế cho thấy, với chất đất nghèo kiệt, 150 ha diện tích rừng ở xã Vĩnh Thành chỉ trồng một loại là cây thông nhưng người dân vẫn đảm bảo được việc quản lý và bảo vệ rừng tốt, không xảy ra tình trạng chặt trộm, không có cháy rừng,…Đồng thời, thu nhập từ việc khai thác nhựa thông để bán đạt khoảng 100 triệu đồng mỗi năm.
Các thành viên Thái Nguyên tham quan rừng tại xã Vĩnh Thành
Đây là bài học quý đối với 3 xã dự án của Thái Nguyên bởi rừng tại 3 xã này có đất đai màu mỡ hơn, diện tích lớn hơn nhưng hiện chỉ phụ thuộc vào việc trồng một loại cây duy nhất là cây keo, dẫn tới năng suất chưa cao, chưa khai thác hết được những lợi thế về đất rừng và các nguồn sinh kế dựa vào rừng.
Kết thúc chuyến thăm, nhiều thành viên của Thái Nguyên đã chia sẻ kế hoạch để sử dụng diện tích đất rừng của họ một cách hợp lý hơn nhằm phát triển và bảo vệ rừng tốt nhất, như: trồng đan xen nhiều loại cây (tăng cường cây ăn trái/ cây lấy quả và cây dược liệu), tận dụng trồng trong cả diện tích vườn nhà, diện tích rừng sản xuất và sau này là diện tích rừng phòng hộ.
-SRD-