"Đơn giản, dễ làm, giảm ô nhiễm môi trường từ phế phụ phẩm nông nghiệp mà tiết kiệm tiền mua phân bón hóa học” là chia sẻ của chị Hồ Thị Nguyên, một học viên của Tập huấn triển khai mô hình ủ phân hữu cơ thuộc dự án “Vì sinh kế bền vững cho phụ nữ nông dân nghèo và đơn thân làm chủ hộ tại Tĩnh Gia”, do Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) phối hợp với UBND hai xã Hải Ninh và Ninh Hải, Tĩnh Gia, Thanh Hóa triển khai với sự tài trợ của nhà tài trợ Manos Unidas trong 3 năm từ 2015-2017.
Hai xã Ninh Hải và Hải Ninh, nơi người dân chủ yếu trồng lúa, trồng lạc, chăn nuôi gia súc gia cầm quy mô nhỏ và đánh bắt, buôn bán hải sản. Một số phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thân cây lạc sau thu hoạch chưa được người dân tận dụng. Thay vào đó, họ thường đốt các phụ phẩm này. Bên cạnh đó, số lượng phân gia súc gia cầm hàng ngày thải ra dọc đường gây mất mỹ quan và làm ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, thói quen thường xuyên sử dụng các loại phân bón hóa học của các hộ dân không chỉ tốn kém về kinh tế mà còn làm chai đất.
Cán bộ SRD hướng dẫn bà con thực hiện ủ phân
Nhằm cải thiện vấn đề nói trên, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, dự án “Vì sinh kế bền vững cho phụ nữ nông dân nghèo và đơn thân làm chủ hộ tại Tĩnh Gia” (VM052) đã tổ chức các khóa tập huấn và thực hành ủ phân hữu cơ cho 115 phụ nữ nông dân nghèo và đơn thân làm chủ hộ tại tám thôn thuộc hai xã Hải Ninh và Ninh Hải, từ ngày 5 đến ngày 12/6/2015.
Bà con đang tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp để làm phân hữu cơ
Mục tiêu của khóa tập huấn là trang bị kiến thức và kỹ năng cho người dân từ việc lựa chọn vật liệu, xử lý vật liệu, phối trộn nguyên liệu, tiến hành ủ, cũng như bảo quản phân sau khi ủ. Phương pháp chia sẻ lý thuyết kết hợp với thực hành tại chỗ không những giúp người dân dễ hiểu và nắm vững kiến thức ngay khi lớp tập huấn kết thúc mà còn tạo hứng thú cho người dân tham gia tích cực.
Phân hữu cơ được ủ từ những phế phụ phẩm nông nghiệp
Tập huấn đã giúp bà con tạo nguồn phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng phục vụ canh tác nông nghiệp, đặc biệt để triển khai mô hình trồng cây hoa hòe thông qua việc tận dụng nguồn nguyên liệu thân cây lạc sẵn có tại địa phương.Việc sử dụng phân hữu cơ sẽ thay thế được khoảng từ 50-100% lượng phân hóa học mà bà con tại 2 xã thuộc huyện Tĩnh Gia đã và đang sử dụng.
Hơn nữa, việc sử dụng phân hữu cơ sẽ làm cho đất tơi xốp hơn, hạn chế sâu bệnh nặng và ô nhiễm môi trường , cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao. Từ đó, họ sẽ biết tận dụng lượng phế phụ phẩm nông nghiệp để ủ phân vi sinh, góp phần tiết kiệm chi phí trong sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
-SRD-