MENU TOP TITLE V A Nông nghiệp bền vữngBiến đổi khí hậuHoạt động mạng lướiVận động chính sáchSự kiện

Hội thảo đáng giá tác động tiềm tàng của VPA đến các nhóm đối tưọng dễ bị tổn thương

Sáng ngày 18/11/2013 tại thành phố Vĩnh Yên đã chính thức khai mạc hội thảo “Đánh giá tác động của Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (VPA/FLEGT) tới sinh kế của các nhóm dễ bị tổn thương[i]” do Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) tổ chức với sự hỗ trợ của Forest Trend, FERN và Cơ quan Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID). Nằm trong lộ trình Đánh giá tác động tiềm tàng của VPA tới sinh kế các nhóm dễ bị tổn thương (LIA) do mạng lưới VNGO-FLEGT triển khai, hội thảo hướng tới mục tiêu phân tích nguyên nhân và hậu quả của việc thực hiện VPA tới các nhóm dễ bị tổn thương, từ đó xây dựng kế hoạch giảm thiểu rủi ro cũng như thích ứng với những tác động của hiệp định này.

Impact Assessment of Viet Nams VPAFLEGT on the Livelihoods 1

Diễn ra trong 3 ngày từ 18-20/11, hội thảo quy tụ các chuyên gia lâm nghiệp đầu ngành - thành viên Mạng lưới VNGO-FLEGT và các chuyên gia đến từ các tổ chức khác như FAO, Forest Trend, FERN... Hội thảo còn có sự tham gia của ông Tim Dawson – Điều phối viên FLEGT thuộc Viện Lâm nghiệp Châu Âu đồng thời là thành viên của phái đoàn Liên minh Châu Âu trực tiếp tham gia tiến trình đàm phán VPA tại Việt Nam. Đặc biệt, tham dự hội thảo có một số cán bộ lãnh đạo trong ngành Lâm nghiệp đại diện về phía các cơ quan chính phủ như ông Nguyễn Phú Hùng - Vụ trưởng vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp, ông Nguyễn Hữu Dũng - Cục trưởng Cục Kiểm lâm.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được cập nhật về chiến lược phát triển ngành Lâm nghiệp, tiến trình đàm phán VPA ở Việt Nam cũng như thông tin về quá trình xây dựng Định nghĩa gỗ hợp pháp (LD) và Hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ (TLAS). Bên cạnh đó, thông qua các bài phát biểu và trao đổi, hội thảo đã giúp người tham gia hiểu rõ hơn lý do Việt Nam tham gia đàm phán VPA. Nói như ông Nguyễn Phú Hùng: “VPA là rào cản và cũng là động lực cho ngành lâm nghiệp, chúng ta làm VPA không phải là đối phó, mà mục tiêu của chúng ta là phát triển ngành lâm nghiệp có tiêu chuẩn, có tiêu chí, và bền vững về 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Chúng ta đang dần dần từng bước thực hiện và đạt ngưỡng VPA yêu cầu”. Sau phần chia sẻ thông tin của các cơ quan chính phủ, các nhóm nghiên cứu đã cùng nhau thảo luận đánh giá tác động tiềm tàng của VPA đến nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trên cơ sở phân tích Lý thuyết về sự thay đổi, Sơ đồ dòng chảy vấn đề và Chuỗi kết quả. Từ kết quả thảo luận trên, các phân tích rủi ro đã tiến hành, qua đó đưa ra những biện pháp giảm thiểu rủi ro cho các bên liên quan và phát triển một kế hoạch giám sát, xây dựng mục tiêu hiệu quả.

Impact Assessment of Viet Nams VPAFLEGT on the Livelihoods 3

Hội thảo không những là cơ hội cho các tổ chức thành viên Mạng lưới VNGO-FLEGT cập nhật thông tin về tiến trình đàm phán VPA, nâng cao hiểu biết về tác động tiềm tàng của VPA đến sinh kế của người dân, mà còn giúp họ có cách nhìn tổng quan hơn về VPA, qua đó phát triển kế hoạch hành động phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đây cũng là dịp để Mạng lưới đưa tiếng nói cộng đồng, chia sẻ các hoạt động, kết quả đạt được tới các cơ quan chính phủ liên quan. Hội thảo chắc chắn là một bước đi quan trọng giúp tăng cường sự hiểu biết, mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai bên – một tiền đề quan trọng để Mạng lưới tiếp tục có những đóng góp tích cực cho tiến trình đàm phán FLEGT/VPA nói riêng và góp phần ngăn chặn thực trạng buôn bán lâm sản bất hợp pháp, thúc đẩy quản trị rừng bền vững nói chung.

Impact Assessment of Viet Nams VPAFLEGT on the Livelihoods 2

-SRD-

[i]  Các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm hộ gia đình trồng rừng, cộng đồng địa phương tham gia bảo vệ rừng và doanh nghiệp chế biến quy mô nhỏ hoặc các nhóm dịch vụ có liên quan khác.