MENU TOP TITLE V A Nông nghiệp bền vữngBiến đổi khí hậuHoạt động mạng lướiVận động chính sáchSự kiện

Cuộc sống tốt đẹp hơn cho người khuyết tật

Kế thừa và nhân rộng kết quả dự án "Hỗ trợ Người khuyết tật" được thực hiện tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2009-2011, Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) đã tìm hiểu nhu cầu và phối hợp với UBND huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị xây dựng dự án "Hỗ trợ Người khuyết tật" giai đoạn 2012-2014. Mục đích của dự án là hỗ trợ cải thiện về tinh thần, tâm lý, thể chất, dinh dưỡng và vật chất khác cho người lớn khuyết tật và trẻ em khuyết tật tại 3 xã Gio Hải, Gio Mỹ và thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh.

Ngày 10/4/2012, dự án đã chính thức được khởi động với sự tham gia của đại diện các cơ quan liên quan và người khuyết tật từ cấp tỉnh, huyện, xã và các thôn trực thuộc. Gio Linh là một huyện nghèo với hơn 6,000 đối tượng khuyết tật trên toàn huyện, trong đó số đối tượng khuyết tật tại 3 xã dự án là 651. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những người không may bị khuyết tật do nhiều nguyên nhân khác nhau, như nhiễm chất độc hóa học dẫn đến dị tật bẩm sinh, bệnh tật, tai nạn giao thông, tai nạn bom mìn, tai nạn lao động, v.v và phải sống phụ thuộc ít nhiều vào gia đình. Đời sống khó khăn nên vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật cũng còn rất nhiều hạn chế. Thái độ, hành vi và tình thương đối với người khuyết tật vì thế cũng bó hẹp trong gia cảnh và chấp nhận số phận thực tế

cstotdepchoNKT 1

Thăm khám cho cháu Nguyễn Đức Rin ở khu phố 9, thị trấn Gio Linh

Trong phạm vi dự án, nhiều hoạt động được hình thành trên cơ sở tình trạng và mức độ khuyết tật khác nhau của từng đối tượng. Ngày 5 và 6 tháng 5 năm 2012, dự án đã tổ chức mời bác sỹ chuyên về vật lý và sinh hoạt trị liệu, phục hồi chức năng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị tiến hành thăm khám tại nhà cho các đối tượng có nhu cầu và khả năng phục hồi cũng như ít có cơ hội chăm sóc sức khỏe và tư vấn phục hồi chức năng tại các cơ sở y tế. Mỗi xã tìm hiểu và lựa chọn 5 trẻ khuyết tật do bại não và 5 người lớn khuyết tật do tai biến có gia cảnh khó khăn để ưu tiên thăm khám đợt này. Qua đánh giá của bác sỹ chuyên môn, phần lớn các đối tượng đều có khả năng phục hồi nhưng mức độ và thời gian tùy thuộc vào nhận thức, sự chăm sóc và hỗ trợ của gia đình. Một số gia đình vì tình thương và sự lo lắng, cho rằng người thân của mình có thể không tự làm gì được nên luôn làm thay và giúp đỡ trong mọi trường hợp. Người khuyết tật vì thế dần mất đi ý thức và khả năng phục hồi cũng như dần sống phụ thuộc vào người khác. Một số gia đình khác vì kế sinh nhai nên không có thời gian chăm sóc và người khuyết tật dần bị bỏ mặc; cơ hội phục hồi và được sống hòa nhập do đó cũng ít hơn. Một số đối tượng đặc thù như trẻ bị bại não bẩm sinh ở mức độ nặng thì việc duy trì chế độ dinh dưỡng và vệ sinh tốt có thể giúp trẻ sống mạnh khỏe và an toàn hơn.

cstotdepchoNKT 2

Thăm khám cho bà Phan Thị Thí ở thôn 5, xã Gio Hải

Song song với hoạt động thăm khám, dự án cũng tổ chức thành lập Nhóm những người khuyết tật có khả năng lao động và nhóm người thân của những đối tượng khuyết tật nặng tại 3 xã dự án để tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích dưới hình thức Câu lạc bộ. Mỗi Câu lạc bộ bao gồm 50 thành viên và sẽ sinh hoạt định kỳ 2 tháng một lần.

Hoạt động thăm khám tại nhà sẽ được dự án tiếp tục trong thời gian tới không chỉ giúp mở rộng đối tượng thăm khám, tư vấn về chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng mà còn cập nhật được sự thay đổi, tiến bộ về thể chất và tinh thần của cả người khuyết tật và thân nhân trong gia đình qua từng thời điểm khác nhau trong suốt một quá trình.

-SRD-

Đối tác chiến lược ngành in

in bạt