MENU TOP TITLE V A Nông nghiệp bền vữngBiến đổi khí hậuHoạt động mạng lướiVận động chính sáchSự kiện

Đối tác chiến lược của

noi that hoa phat

Giảm sử dụng hóa chất diệt cỏ, hóa chất bảo vệ thực vật độc tố cao – khó nhưng phải làm!

Hưởng ứng chiến dịch công bố các báo cáo CPAM tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương do tổ chức PAN-AP phát động, ngày 27/4/2018, Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững đã cùng UBND huyện Phú Lương, Trung tâm Nghiên cứu Giới – Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) phối hợp tổ chức hội thảo "Chia sẻ báo cáo giám sát sử dụng hóa chất trừ sâu dựa vào cộng đồng (CPAM) tại tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Nam Định và Tìm kiếm giải pháp để nhân rộng các mô hình nông nghiệp sinh thái tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên".
97 đại biểu là lãnh đạo từ Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và BVTV, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch UBND và lãnh đạo, cán bộ các ngành Nông nghiệp, Khuyến nông và BVTV huyện Phú Lương, đại diện người dân tại 8 xã, đại diện các hợp tác xã, các tổ nhóm sản xuất Chè, sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap; cây dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO; chăn nuôi gà bằng giun quế.... đã tham gia hội thảo.


Sau báo cáo khảo sát CPAM tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, huyện Phú Lương tỉnh Thái Nguyên năm 2017 do hai trung tâm SRD và CGFED thực hiện, đã có 11 bài chia sẻ của các nhóm nông dân, các tổ hợp tác sản xuất sản phẩm nông sản theo hướng an toàn. Bên cạnh đó một hội chợ nhỏ đã đươc trưng bày tại hội thảo với các sản phẩm nông sản an toàn, theo tiêu chuẩn VietGap, tiêu chuẩn hữu cơ như các loại chè, thực phẩm chức năng từ cây dược liệu, mật ong tự nhiên, thịt gà sạch, trứng, rau an toàn... Báo cáo kết quả việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật ở cả Phú Lương và Hải Hậu đã cho thấy tình trạng sử dụng và quản lý hóa chất bảo vệ thực vật còn nhiều thách thức đối với các cơ quan quản lý cũng như đối với nông dân. Từ nhiều năm nay, nông dân vẫn đang sử dụng các hóa chất BVTV có độc tố cao như Paraquat, Glyphosate, Chlopyrifos, Deltamethrin, Cypermethrin, Lambda-Cyhalothrin... trong khi các cơ quan quản lý cũng chưa đủ nguồn nhân lực và chế tài để quản lý những loại hóa chất độc hại này. Mặc dù vậy, nhiều đại biểu tham dự hội thảo cũng tỏ ra lạc quan khi gần một năm trở lại đây, những tác động tích cực từ nhiều hoạt động của dự án do PAN-AP tài trợ, cũng như các chính sách về thúc đẩy nông nghiệp sạch của UBND tỉnh Thái Nguyên, UBND huyện Phú Lương đã và đang dần thay đổi nhận thức, hành vi của nhiều hộ dân khi sử dụng hóa chất BVTV trong nông nghiệp.


Ông Phạm Bình Công – Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho rằng, "huyện Phú Lương cũng đã và đang bắt kịp các xu thế về sản xuất sạch, an toàn Trong hơn 3 năm qua, từ 2016, với sự giúp đỡ của Trung tâm SRD cùng các nhà tài trợ như PAN-AP, Manos Unidas –Tây ban Nha đã hỗ trợ chúng tôi, người dân và thậm chí là học sinh cấp 2 rất nhiều hoạt động truyền thông về tác hại của hóa chất diệt cỏ, hóa chất BVTV. Bên cạnh đó, nhiều lớp tập huấn kỹ thuật về nông nghiệp sinh thái như cấy lúa SRI; hoạt động tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp để ủ phâm hữu cơ và nuôi giun quế; hướng dẫn người dân và học sinh tự làm thuốc trừ sâu sinh học đã được tổ chức. Kết quả này huyện đã kế thừa và nhân rộng ra nhiều vùng khác nhau bằng những hỗ trợ cụ thể như trích nguồn ngân sách khoảng hơn 200 triệu đồng hỗ trợ thêm mô hình tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp để ủ phân hữu cơ và nuôi giun quế. Đến cuối năm 2017, tiếp tục hỗ trợ đến 800 triệu đồng để nhân rộng các mô hình khác như cấy lúa SRI, sản xuất chè, trồng cây dược liệu, sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap... Và theo kế hoạch của chúng tôi, năm 2018 sẽ mở rộng khoảng 50 ha để sản xuất chè theo hướng hữu cơ"


Bà Nguyễn Kim Ngân – Giám đốc trung tâm SRD cũng chia sẻ rằng bà rất ấn tượng với những gì mà UBND huyện Phú Lương cùng người dân tại các xã như Động Đạt, Yên Lạc, Ôn Lương, Yên Ninh, Tức Tranh và Vô Tranh làm được khi áp dụng các kỹ thuật canh tác nông nghiệp sinh thái để sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất diệt cỏ, hóa chất BVTV và phân bón hóa học. Bà Ngân cũng khuyến khích các đại biểu, các nông dân nên chủ động hợp tác với nhau theo tổ nhóm nhiều hơn, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật để canh tác theo hướng sinh thái, đồng thời tìm kiếm thị trường, tạo thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của huyện.
Kết thúc hội thảo, tất cả đại biểu đều đồng thuận rằng: Sẽ tiếp tục kiên trì theo con đường sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo hướng sinh thái, sạch, an toàn với con người và môi trường. Tạo các mô hình, các tổ nhóm sản xuất tốt để từ đó truyền thông, tạo cảm hứng và lan tỏa những hành động hạn chế hoặc không sử dụng hóa chất diệt cỏ cũng như những hoạt chất BVTV trong sản xuất... Các đại biểu đều thống nhất để làm việc này, cần có sự hợp tác, hỗ trợ của chính quyền địa phương và các ban ngành cùng với người dân, các tổ nhóm, hợp tác xã và các công ty, đồng thời có hành lang pháp lý để tạo kết nối theo chuỗi giá trị, để ngày càng có nhiều sản phẩm nông sản sạch đến tay người tiêu dùng... Hội thảo với những báo cáo, những chia sẻ cùng với trưng bày các sản phẩm nông sản sạch, đã tạo ấn tượng tích cực cho tất cả các đại biểu tham dự.

 

Ong Pham Binh Cong

Ông Phạm Bình Công - Chủ tịch UBND huyện Phú Lương

 Ba Ngan

Bà Nguyễn Kim Ngân - Giám đốc SRD phát biểu, chia sẻ tại hội thảo

Ba Thuy CGFED

Bà Nguyễn Kim Thúy - Giám đốc Trung tâm CGFED và

ông Bùi Quốc Quân - cán bộ chương trình SRD trình bày, chia sẻ về báo cáo khảo sát CPAM tại Nam Định và Thái Nguyên năm 2017

Ong Vuong Chi cuc

Ông Lương Văn Vượng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên chia sẻ tại hội thảo

Nong dan tre

Đại diện các nông dân trẻ chia sẻ về những mô hình Chè, Rau, Dược liệu và Gà theo tiêu chuẩn VietGap và tiêu chuẩn hữu cơ mà họ đang thực hiện

2 nong dan

Hai trong số nhiều nông dân chia sẻ ý kiến tại hội thảo

goc trung bay

Góc trưng bày sản phẩm nông sản theo tiêu chuẩn VietGap - tiêu chuẩn hữu cơ của các tổ nhóm nông dân và góc trưng bày tài liệu truyền thông

anh tap the

Đại diện các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau hội thảo

 

 

Đối tác chiến lược ngành in

in bạt