MENU TOP TITLE V A Nông nghiệp bền vữngBiến đổi khí hậuHoạt động mạng lướiVận động chính sáchSự kiện

Đối tác chiến lược của

noi that hoa phat

GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CHO HỘ TRỒNG RỪNG: CÁC PHÁT HIỆN CHÍNH TỪ KẾT QUẢ ĐIỀU TRA VPA-IM TẠI 04 TỈNH

GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CHO HỘ TRỒNG RỪNG: CÁC PHÁT HIỆN CHÍNH TỪ KẾT QUẢ ĐIỀU TRA VPA-IM TẠI 04 TỈNH

Nguyễn Thanh Hiền và Vũ Thị Bích Hợp

Giao đất giao rừng cho người dân quản lý và sử dụng mang lại nhiều tác động tích cực không chỉ đối với hộ trực tiếp trồng rừng mà còn đối với chính quyền và các tổ chức quản lý, bảo vệ, và phát triển rừng. Do vậy, chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để tạo hành lang pháp lý cho việc giao đất giao rừng, trong đó có cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất lâm nghiệp cho hộ trồng rừng. Đặc biệt, trong bối cảnh hiệp định VPA FLEGT đã được phê chuẩn thì cấp GCNQSD đất lâm nghiệp càng được quan tâm. Trong quá trình khảo sát, điều tra về tác động của VPA-FLEGT do FAO tài trợ và SRD thực hiện tại 4 tỉnh (Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam và Bình Định), nhóm nghiên cứu nhận thấy có một số vấn đề liên quan đến cấp GCNQSD đất lâm nghiệp cho hộ trồng rừng.

1. Một bộ phận không nhỏ hộ trồng rừng mặc dù đã được giao đất nhưng chưa có GCNQSD. Hai trong bốn tỉnh khảo sát có hộ trồng rừng chưa có GCNQSD đất, tại tỉnh Quảng Nam, có đến 50,7 % trong số 877 hộ và tỉnh Nghệ An là 3,6% trong tổng số 531 hộ chưa có GCNQSD đất lâm nghiệp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đó là việc đo đạc cấp giấy CNQSD đất thiếu sự tham gia của hộ dân, địa phương đã không thực thi đầy đủ các bước trong tiến trình giao đất đã được quy đinh, định mức kỹ thuật giao đất cấp giấy CNQSD đất còn chưa cụ thể, thiếu kinh phí thực hiện một cách chuyên nghiệp.

2. Vẫn còn các tranh chấp liên quan đến đất rừng và GCNQSD đất. Tại xã Thục Luyện thuộc huyện miền núi Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, các hộ trồng rừng thường có trung bình 3 lô đất lâm nghiệp, diện tích bình quân là 1,4 ha/lô. Trong 3 lô đất thì chỉ có 1 lô là đã có GCNQSD đất, các lô còn lại đều chưa có GCNQSD đất. Nguyên nhân chưa hoặc không được cấp giấy xuất phát từ việc còn tồn tại trong các tranh chấp. Năm 2010, UBND tỉnh Phú Thọ đã có quyết định buộc các công ty lâm nghiệp giao lại cho địa phương đất lâm nghiệp sử dụng không đúng mục đích. Tại xã Thục Luyện, công ty lâm nghiệp Tam Thắng đã rà soát và bàn giao đất lâm nghiệp không sử dụng đất đúng mục đích cho UBND xã Thục Luyện để quản lý, tuy vậy diện tích này trước đây, mặc dù do công ty quản lý, nhưng đã được người dân trồng rừng trong thời gian dài (do công ty sử dụng không hiệu quả, quản lý chưa tốt). Những tồn tại này đã dẫn đến tình trạng tranh chấp về đất lâm nghiệp giữa người trồng rừng và cơ quan quản lý, hậu quả là đất đã được trồng rừng nhưng không có GCNQSD.

3. Các rủi ro có thể có đối với hộ trồng rừng chưa có GCNQSD đất. Các hộ không có giấy CNQSD đất lâm nghiệp thì khi hiệp định VPA FLEGT được thực thi gỗ từ những khu rừng này không được xem là hợp pháp. Hơn nữa, không có CNQSD, các hộ trồng rừng sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, các chương trình hỗ trợ phát triển lâm nghiệp do không có GCNQSD đất để thế chấp hay chứng minh nguồn gốc đất. Sinh kế hộ từ nguồn thu rừng trồng sẽ giảm do giá bán gỗ thấp hơn, mặc khác các hộ cũng sẽ không yên tâm đầu tư rừng khi chưa có GCNQSD đất nên năng suất rừng trồng và lợi nhuận của họ cũng thấp đi.

4. Cuối cùng là vấn đề giới trong các GCNQSD đất. Như đã phân tích trong bài về “Vấn đề giới trong sản xuất lâm nghiệp”, phụ nữ ít được tiếp cận về đất đai trong lâm nghiệp, phần lớn các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do chồng đứng tên[1]. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, trong quá trình điều tra, ghi nhận ba trường họp đứng tên trên giấy đó là (i) chồng và vợ đứng tên; (ii) chồng đứng tên; hoặc vợ đứng tên. Trường hợp cả chồng và vợ đứng tên không phổ biến bằng chồng đứng tên, số liệu khảo sát trên 4 tỉnh cho thấy có 25% hộ phỏng vấn là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp do cả vợ và chồng đứng tên trong khi đó 64% số hộ phỏng vấn phản hồi là chồng đứng tên. Người phụ nữ không đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được giải thích là các giấy chứng nhận đất đã làm trước đây, thông thường là đứng tên chồng nên không muốn đổi lại giấy khác vì phải mất một khoản lệ phí nhất định hoặc là họ không nhận thức hết sự cần thiết của việc đứng tên mình trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trên thực tế, nếu người phụ nữ không được đứng tên trên giấy chứng nhận thì sẽ rất thiệt thòi cho họ, đặc biệt trong các trường hợp mà họ bị buộc phải ly hôn và phân chia tài sản.

 

Kết luận. Những tồn tại trong cấp giấy CNQSD đất lâm nghiệp nếu không giải quyết một cách kịp thời thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hội nhập thương mại quốc tế, đặc biệt là khi giấy phép FLEGT được cấp. Do vậy, cần thúc đẩy tiến trình cấp giấy CNQSD đất được diễn ra nhanh chóng, hợp pháp. Các giải pháp cần có là rà soát chỉnh sửa lại các diện tích, ranh giới bị sai khác; điều chỉnh lại định mức giao đất cấp GCNQSD đất một cách chi tiết phù hợp với điều kiện địa phương tại các vùng miền khác nhau; huy động sự tham gia của người dân trong các tiến trình đo đạc; giải quyết các tranh chấp giữa các bên. Đặc biệt cần tuân thực hiện nguyên tắc cả chồng và vợ đều có tên trên GCNQSD đất. Để làm được điều này, cần có sự phồi hợp đồng bộ giữa chính quyền, người dân, giữa các cơ quan chuyên môn như Địa chính và Nông nghiệp, và đồng thời cần có sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các cơ quan chuyên ngành trung ương và các đối tác bên ngoài.

 



[1] Nguyễn Thanh, H., Vũ Thị Bích,H. (2019). Vấn đề giới trong sản xuất lâm nghiệp: các phát hiện chính từ kết quả điều tra VPA-IM tại 04 tỉnh

 

Đối tác chiến lược ngành in

in bạt