BẢN TÓM TẮT CHÍNH SÁCH VỀ
VIỆC NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ HƯỞNG DỤNG RỪNG, ĐẤT RỪNG NHẰM ĐÁP ỨNG VIỆC THỰC THI HIỆP ĐỊNH EVFTAVỀ CHUỖI SẢN XUẤT VÀ CUNG ỨNG GỖ TẠI VIỆT NAM
Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Bền vững Cộng đồng các Dân tộc Miền núi (SUDECOM)
Báo cáo này được thực hiện với sự hỗ trợ tài chính của Liên minh Châu Âu (EU). Nội dung của báo cáo thuộc trách nhiệm của SUDECOM và không nhất thiết phản ánh quan điểm của EU. (This report was produced with the financial support of the European Union. Its contents are sole responsibility of SUDECOM and do not necessarily reflect the views of the European Union) |
Bản tóm tắt này được viết dựa trên kết quả báo cáo tổng hợp “Nghiên cứu về việc người dân tộc thiểu số hưởng dụng rừng, đất rừng nhằm đáp ứng việc thực thi hiệp định EVFTA về chuỗi sản xuất và cung ứng gỗ tại Việt Nam” trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy quản trị rừng và thương mại gỗ hợp pháp thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU” do EU tài trợ với sự điều phối của Trung tâm Phát triển Nông thôn.
Việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi Lâm luạt, Quản trị rừng và Thương mại gỗ giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (VPA/FLEGT) được xem là cơ hội lớn cho Việt Nam để phát triển thương mại, tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh các cam kết về thương mại, các Hiệp định này cũng đưa ra các cam kết ràng buộc về bảo vệ môi trường, công bằng xã hội cho mục tiêu phát triển bền vững, trong đó bao gồm vấn đề của người dân tộc thiểu số (DTTS). Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật tiến bộ để thực thi các Hiệp định này, tuy nhiên quá trình triển khai thực thi việc hưởng dụng rừng, đất rừng còn nhiều hạn chế, bất cập làm giảm hiệu quả cơ hội hưởng lợi ích từ các Hiệp định này của đồng bào DTTS. Các hạn chế bất cập bao gồm việc thiếu các hướng dẫn cụ thể, thiết thực phù hợp để triển khai các chính sách lớn về giao đất, giao rừng cho đồng bào DTTS như chi trả tài chính, định mức khoanh nuôi, bảo vệ, chi trả dịch vụ môi trường rừng, hướng dẫn kỹ thuật, việc chưa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, tập quán, sinh kế, truyền thống văn hóa của đồng bào DTTS, tình trạng đất nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp, người dân chưa sống được với thu nhập từ rừng, còn chưa xóa đói giảm nghèo lâu dài, bền vững, thiếu giám sát, theo dõi hiệu quả, thiếu sự tham vấn, ý kiến tham gia của người dân trong quá trình xây dựng chính sách và ban hành quyết định. Trong khi đó, các Hiệp định đặt ra các nguyên tắc, tiêu chí nghiêm ngặt mà nếu bà con DTTS tham gia vào chuỗi cung ứng khó có thể tuân thủ đúng làm hạn chế cơ hội hưởng lợi. Các nguyên tắc tiêu chí dựa trên các quy định pháp luật đã hết hiệu lực, không tính đến yếu tố phong tục, tập quán, điều kiện, truyền thống văn hóa với các quy ước, hương ước về bảo vệ rừng. tiếp cận thông tin về Hiệp định còn hạn chế, đồng bào DTTS cũng không được tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện. Từ các phát hiện trên về các điểm tiến bộ của chính sách, pháp luật, các hạn chế, bất cập tồn tại trong việc hưởng dụng rừng, đất rừng của đồng bào DTTS, các khuyến nghị, đề xuất được xây dựng đưa ra phù hợp với từng nhóm chủ thể với vai trò, vị trí tham gia vào việc thực hiện các Hiệp định như đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan từ cấp trung ương xuống cấp địa phương, với bên đối tác của Hiệp định là Liên minh châu Âu ,đối tác các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội đoàn thể, cộng đồng và đối với các doanh nghiệp có liên quan tới VPA/FLEGT và chính bà con DTTS. |
1. Giới thiệu chung
Ngày 1/8/2020, Hiệp định EVFTA) được kí kết chính thức có hiệu lực. Đây được coi là cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giảm thuế xuất nhập khẩu tạo lợi thế cạnh tranh, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản vào thị trường Châu Âu. Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp và thương mại gỗ giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, VPA/FLEGT được ký kết ngày 19/10/2018, có hiệu lực ngày có hiệu lực vào ngày 01/6/2019, với các nguyên tắc, tiêu chí điều kiện về quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, việc tham gia vào hiệp định EVFTA, VPA/FLEGT cũng đưa ra nhiều thách thức cho phía Việt Nam. Vì bên cạnh những tiêu chí đã được đáp ứng, tương thích vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp, nhiều tồn đọng cần phải được giải quyết để hài hòa lợi ích của các bên liên quan. Do đó, việc nghiên cứu rà soát và khuyến nghị các quy định pháp luật và chính sách hiện hành về việc hưởng dụng rừng, đất rừng của đồng bào DTTS là cần thiết. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm nhằm phát hiện ban đầu những điểm đạt được, các điểm hạn chế, bất cập của quy định pháp luật hiện hành về việc sử dụng đất rừng và rừng của đồng bào DTTS, nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập, phát huy các lợi thế của EVFTA VPA/FLEGT và cải thiện đời sống của người DTTS.
Báo cáo sử dụng phương pháp phân tích, so sánh luật học so sánh luật, điều tra phỏng vấn thực tế, đánh giá, phân tích, tổng hợp, tham khảo kinh nghiệm của các nghiên cứu trước. Báo cáo cũng cập nhật phân tích các thông tin dữ liệu nhận được từ các ý kiến đóng góp tại cuộc họp kỹ thuật lần 1 ngày 23/7/2021, cuộc họp kỹ thuật lần 2 ngày 16/8/2021 và Diễn đàn quản trị rừng lần 4 ngày 25/8/2021.
Phạm vi nghiên cứu tập trung vào 3 nội dung chính như sau: 1- Độ phù hợp của các quy định pháp luật, chính sách của Việt Nam với quy định pháp luật quốc tế, quy định của EVFTA (chương 13.8) và VPA/FLEGT về hưởng dụng rừng, đất rừng của đồng bào DTTS, trong chuỗi sản xuất và cung ứng gỗ, 2- Đánh giá thực tiễn thực hiện các quy định pháp luật, chính sách đó, và 3 - Các đề xuất giải pháp tăng cường việc thực hiện và đề xuất các nghiên cứu tiếp theo
2. Những phát hiện chính
Về so sánh, đánh giá khung pháp luật quốc tế liên quan đến EVFTA, VPA/FLEGT, các văn bản pháp luật quốc tế làm nền tảng cơ sở cho chương 13 EVFTA, VPA/FLEGTnhư Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc bản địa, 2007, Tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển, Chương trình nghị sự 2030 về mục tiêu phát triển bền vững, cho thấy khung chính sách chung, pháp luật chung của Việt Nam về rừng và đối với người DTTS phù hợp với các văn bản chính sách, pháp luật quốc tế trên.
Các văn bản chính sách pháp luật hiện hành của Việt Nam đã rà soát, so sánh, đánh giá gồm Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc, các chính sách chung đối với đồng bào DTTSnhư Nghị quyết số 30A ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo trên toàn quốc, Quyết định 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng về Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135), Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020, Nghị quyết số 88/2019/QH14 Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình 327 và Dự án 661: dự án 5 triệu ha rừng, Quyết định số 132/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 08/10/2002 về việc giải quyết đất sản xuất và đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên, Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị định số 75/2015/NĐ-CP về chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc, Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg về Xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, Thông tư số 04/2020/TT-BVHTTDL Quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Quyết định số 1288/QĐ-TTg của ngày 01/10/2018 đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng. Các quy định pháp luật về hưởng dụng rừng của đồng bào DTTS gồm Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai năm 2013 , Luật Lâm nghiệp 2017, Nghị định 102/2020/NĐ-CP ngày 01/09/2020 quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/11/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, và các văn bản hướng dẫn thi hành, Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 quy định về quản lý rừng bền vững, Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, Nghị định 168/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/12/2016 quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước.
Kết quả cho thấy: về mặt văn bản, khung pháp luật và chính sách để đảm bảo việc hưởng dụng đất rừng, rừng của người DTTS là tương đối đầy đủ, toàn diện, hoàn chỉnh, phù hợp với quy định chung tại Điều 13.8 của EVFTA như công nhận tầm quan trọng của việc đảm bảo việc bảo tồn và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên rừng sẽ mang lại lợi ích cho các mục tiêu kinh tế, môi trường và xã hội; thúc đẩy thương mại lâm sản từ những khu rừng được quản lý bền vững và được thu hoạch phù hợp với luật pháp nước sở hữu thúc đẩy tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ từ các khu rừng được quản lý bền vững, thúc đẩy bảo tồn nguồn tài nguyên rừng và đấu tranh chống lại khai thác và buôn bán gỗ trái phép; nhằm thúc đẩy bảo tồn và quản lý bền vững các loại rừng.
So sánh, đánh giá 7 nguyên tắc chung, với các tiêu chí đánh giá gỗ hợp pháp tại Phụ lục 2 VPA/FLEGT, cho thấy
Một là, tiêu chí về bằng chứng về quyền sử dụng đất đưa ra là nguy cơ khó khăn đối với người DTTS. Vì việc sử dụng đất, rừng căn cứ chủ yếu vào tập tục, thói quen mà không coi trọng văn bản, giấy tờ chính thức cấp bởi cơ quan có thẩm quyền hiện hành, việc giao giao đất, giao rừng còn gặp hạn chế về tài chính, kỹ thuật, đo đạc, địa chính.
Hai là, các nguyên tắc không đề cập đến thừa nhận việc sử dụng rừng theo tập tục thông qua quy định hương ước, quy ước cộng đồng
Ba là, các nguyên tắc, tiêu chí yêu cầu việc kê khai, làm các thủ tục hành chính phức tạp, nên so với trình độ, hiểu biết nhận thức của bà con DTTS còn hạn chế, nếu không có các biện pháp trợ giúp, làm ủy quyền thì họ không thể làm trực tiếp được
Bốn là, các văn bản pháp luật đề cập trong phụ lục II phần lớn đã hết hiệu lực, được thay thế bằng các văn bản khác, cần được cập nhật, bổ sung
Năm là, phần dẫn chiếu đề cập đến Giấy phép FLEGT, chứng chỉ tự nguyện hoặc hệ thống chứng chỉ quốc gia do VNTLAS công nhận cần được bổ sung cập nhật.
Sáu là, Nghị định 102/2020/NĐ-CP có khoảng trống, điểm hạn chế đến việc đồng bào DTTS có thể hưởng các lợi ích từ Hiệp định VPA/FLEGT
Các phát hiện chính về thực tiễn thực thi pháp luật, chính sách hiện hành của Việt Nam gồm các vấn đề về giao đất rừng, giao rừng (phòng hộ, sản xuất) cho đồng bào DTTS nói chung như thiếu hướng dẫn chi tiết, hỗ trợ tài chính kỹ thuật, diện tích và chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng/sở hữu rừng, hiệu quả; vấn đề về hương ước, quy ước bảo vệ rừng; việc tiếp cận thông tin, việc tham gia, tham vấn người dân đối với các chính sách, quyết định liên quan đến rừng, đất rừng, việc tiếp cận thông tin về EVFTA, VPA/FLEGT.
3. Khuyến nghị
Các khuyến nghị chung để tạo điều kiện cho đồng bào DTTS hưởng dụng rừng, đất rừng và tham gia nắm bắt các cơ hội mà EVFTA, VPA/FLEGT đem lại là:
Một là, tăng cường thực hiện chính sách giao đất, giao rừng phù hợp với bà con DTTS, có các hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ tài chính phù hợp, tăng cường năng lực cán bộ giám sát, theo dõi, tính đến các yếu tố về khả năng quản lý, tập quán, sinh kế văn hóa truyền thống riêng của từng DTTS, phát huy những truyền thống phong tục tốt đẹp, đồng thời khắc phục những hạn chế hủ tục làm cản trở, xâm hại việc bảo vệ rừng.
Hai là, tăng cường tiếp cận thông tin, nâng cao năng lực hiểu biết cho đồng bào DTTS, kết nối tiếp cận thị trường, sử dụng công nghệ số trong quản trị rừng, gỗ
Ba là, thúc đẩy mô hình quản lý rừng bền vững, quản trị gỗ bền vững, tham gia chuỗi giá trị thương mại lâm sản, gỗ, tham khảo các mô hình hợp tác xã lâm nghiệp, liên kết cộng đồng, cộng đồng quản trị tốt…
Các khuyến nghị, đề xuất sửa đổi bổ sung đối với VPA/FLEGT và định hướng nghiên cứu tiếp theo bao gồm:
Một là, cần rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi bổ sung phụ lục Hiệp định VPA/FLEGT cho phù hợp, loại bỏ các văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực và cập nhật kịp thời các văn bản hiện hành điều chỉnh trực tiếp hoặc có giải pháp mở để cập nhật thường xuyên tự động, ban hành văn bản hướng dẫn khắc phục hạn chế Nghị định 102/2020 về VNTLAS.
Hai là, có giải pháp phù hợp thực tế về bằng chứng về quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng liên quan đến gỗ hợp pháp, ngoài quy định chính về “sổ đỏ”, “sổ xanh” có thể có thay thế là văn bản xác nhận của UBND cấp xã hay căn cứ vào thực trạng sử dụng ổn định với xác nhận của các hộ gia đình xung quanh và trưởng thôn…
Ba là, nghiên cứu bổ sung Hiệp định các vấn đề về hương ước, quy ước cộng đồng về rừng, về việc chia sẻ lợi ích chung được hưởng từ rừng
Bốn là, tăng cường tiếp cận thông tin, tuyền truyền tới các hộ gia đình, người DTTS để họ nắm bắt được, hiểu rõ được quyền và nghĩa vụ, cũng như thời cơ, cơ hội hưởng lợi ích từ các hiệp định.
Năm là, nghiên cứu sâu các vấn đề về người DTTS với các nội dung khác về phát triển bền vững của chương 13 EVFTA như REDD+ với VPA/FLEGT, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, lao động…
Tài liệu tham khảo
Các văn bản
- Hiến pháp
- Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành
- Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành
- Các văn bản quy phạm pháp luật về người DTTS
- Văn kiện Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU,
- Văn kiện Hiệp định Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản
- Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc bản địa, 2007
- Tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển
- Chương trình nghị sự 2030 về mục tiêu phát triển bền vững
- Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định đối tác tự nguyện giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản
Báo cáo nghiên cứu
Báo cáo tại Hội thảo về thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng DTTS, miền núi, giai đoạn 2006-2016 được tổ chức ngày 27/9/2017, tại Đà Nẵng
Forest trend, Mâu thuẫn đất đai giữa công ty lâm nghiệp và người dân địa phương, 2013
VNGO-FLEGT, Báo cáo kết quả tham vấn cộng đồng về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ tại huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng
FERN, SRD, VN-FLEGT, Challenges and opportunities of the EU-Vietnam Voluntary Partnership Agreement for women and civil society, 2020
Các trang web:
https://www.mard.gov.vn/Pages/hiep-dinh-vpa-flegt-chinh-thuc-co-hieu-luc-tu-01-6-2019.aspx
https://nhandan.vn/bandoc/can-som-thao-go-vuong-mac-trong-giao-dat-rung-460876/
https://loggingoff.info/wp-content/uploads/2015/09/523f.pdf http://web.cema.gov.vn/modules.php?name=Content&op=details&mid=5197#ixzz70h4V8Ah4
http://www.srd.org.vn/index.php/ho-t-d-ng-m-ng-lu-i-menu/1232-bao-cao-va-nghien-c-u
https://www.fern.org/publications-insight/vietnam-timber-legality-decrees-silences-are-as-worrisome-as-its-shrinking-scope-2250/