ĐẶT VẤN ĐỀ
Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (viết tắt là VPA-FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) được ký ngày 19/10/2018, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/06/2019 thể hiện quyết tâm lớn của chính phủ Việt Nam trong thực hiện quản trị rừng cũng như phát triển ngành chế biến gỗ một cách bền vững[1]. Trong quá trình thực hiện, các tác động của VPA-FLEGT đối với sinh kế và sự an toàn của phụ nữ và các nhóm xã hội khác cần được giám sát chặt chẽ. Để giám sát tác động xã hội, cần các chỉ số liên quan được phân biệt theo giới, đồng thời dữ liệu phân tách theo giới cần được thu thập và phân tích một cách có hệ thống. Mặc dù giới không được đề cập cụ thể trong VPA, nhưng một số chỉ số quan trọng trong Định nghĩa hợp pháp về gỗ của Việt Nam có khía cạnh giới được xây dựng sẵn, phản ánh cách thức mà giới hiện được lồng ghép vào nhiều lĩnh vực pháp luật và quy định liên quan, bao gồm các chỉ số về quyền sử dụng đất và quyền sử dụng rừng, và bộ luật lao động và các quyền phúc lợi xã hội (Phụ lục II của VPA). Các vấn đề giới trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào ngày 01/8/2020, bao gồm các cam kết liên quan tới các vấn đề về phát triển bền vững có liên quan tới thương mại gồm 17 điều (lao động, môi trường…). Cụ thể hơn, liên quan đến lao động thực hiện các nghĩa vụ mà Việt Nam và EU đã cam kết với tư cách là Thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và các tiêu chuẩn lao động trong Tuyên bố 1998 của ILO về Các nguyên tắc và các quyền cơ bản tại nơi làm việc, gồm: Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động; Chấm dứt mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc ép buộc; Xóa bỏ hiệu quả lao động trẻ em; Chấm dứt phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.