Việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên Minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp và thương mại gỗ giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (VPA/FLEGT) được xem là cơ hội lớn cho Việt Nam để phát triển thương mại, tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh các cam kết về thương mại, các Hiệp định này cũng đưa ra các cam kết ràng buộc về bảo vệ môi trường, công bằng xã hội cho mục tiêu phát triển bền vững, trong đó bao gồm vấn đề của người dân tộc thiểu số (DTTS). Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật tiến bộ để thực thi các Hiệp định này, tuy nhiên quá trình triển khai thực thi việc hưởng dụng rừng, đất rừng còn nhiều hạn chế, bất cập làm giảm hiệu quả cơ hội hưởng lợi ích từ các Hiệp định này tới đồng bào DTTS.
Các hạn chế bất cập bao gồm việc thiếu các hướng dẫn cụ thể, thiết thực phù hợp để triển khai các chính sách lớn về giao đất giao rừng cho đồng bào DTTS như chi trả tài chính, định mức khoanh nuôi, bảo vệ, chi trả dịch vụ môi trường rừng, hướng dẫn kỹ thuật, việc chưa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, tập quán, sinh kế, truyền thống văn hóa của đồng bào DTTS, tình trạng đất nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp, người dân chưa sống được với thu nhập từ rừng, còn chưa xóa đói giảm nghèo lâu dài, bền vững, thiếu giám sát, theo dõi hiệu quả, thiếu sự tham vấn, ý kiến tham gia của người dân trong quá trình xây dựng chính sách và ban hành quyết định. Trong khi đó, các Hiệp định đặt ra các nguyên tắc, tiêu chí nghiêm ngặt mà nếu bà con DTTS tham gia vào chuỗi cung ứng khó có thể tuân thủ đúng làm hạn chế cơ hội hưởng lợi. Các nguyên tắc tiêu chí dựa trên các quy định pháp luật đã hết hiệu lực, không tính đến yếu tố phong tục, tập quán, điều kiện, truyền thống văn hóa với các quy ước, hương ước về bảo vệ rừng. tiếp cận thông tin về Hiệp định còn hạn chế, đồng bào DTTS cũng không được tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện.
Từ các phát hiện trên về các điểm tiến bộ của chính sách, pháp luật, các hạn chế, bất cập tồn tại trong việc hưởng dụng rừng, đất rừng của đồng bào DTTS, các khuyến 6 nghị, đề xuất được xây dựng đưa ra phù hợp với từng nhóm chủ thể với vai trò, vị trí tham gia vào việc thực hiện các Hiệp định như đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan từ cấp trung ương xuống cấp địa phương, với bên đối tác của Hiệp định là Liên minh châu Âu, đối tác các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội đoàn thể, cộng đồng và đối với các doanh nghiệp có liên quan tới VPA/FLEGT và chính bà con DTTS.
Để tìm hiểu chi tiết Báo cáo nghiên cứu, vui lòng truy cập tại ĐÂY