Chế biến gỗ và sản phẩm gỗ nước ta phát triển mạnh, giá trị xuất khẩu gỗ và đồ gỗ tăng rất nhanh, giai đoạn 2010-2020 giá trị tăng bình quân 13%/năm, 10 năm trước đó là 22%/năm. Năm 2020 giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,8 tỷ USD. Do vậy, nhu cầu gỗ nguyên liệu cho chế biến cũng tăng rất nhanh về số lượng, chất lượng và yêu cầu về tính hợp pháp. Mặc dù Chính phủ thực hiện giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu trên, nhưng Việt Nam vẫn đối mặt với 03 vấn đề cơ bản sau:
Một là, nguồn cung gỗ nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ cầu gỗ nguyên liệu cho chế biến: Cả nước hiện có 4.316.786 ha rừng trồng, trong đó 3.537.486 ha là rừng trồng sản xuất (Bộ NN&PTNT, 2020). Tổng trữ lượng gỗ rừng trồng khoảng 260 triệu m3 (Nguyễn Bá Ngãi và Nguyễn Quốc Trị, 2020). Tổng sản lượng gỗ khai thác năm 2020 khoảng 30 triệu m3 gỗ, trong đó từ rừng trồng tập trung là 20,5 triệu m3; các nguồn khác 9,5 triệu m3 đáp ứng 80% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến (Tổng cục Lâm nghiệp, 2020). Theo kịch bản về diện tích rừng cho khai thác và năng suất rừng trong 5 năm tới, khả năng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung tăng lên 26,9 triệu m3 gỗ, đáp ứng được 53,8% so với nhu cầu chế biến gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu đạt giá trị 20 tỷ USD vào năm 2025. Như vậy, cung ứng từ gỗ rừng trồng trong nước sẽ khó đáp ứng nhu cầu, trong khi nhập khẩu gỗ nguyên liệu ngày càng khó khăn do không ổn định về giá cả, bảo đảm cung ứng lâu dài và những rào cản về kỹ thuật, thương mại.
Hai là, tỷ trọng gỗ lớn thấp, thiếu gỗ chất lượng cao: Tỷ lệ gỗ rừng trồng để chế biến đồ gỗ nội, ngoại thất xuất khẩu thấp, năm 2017 tỷ lệ này chiếm 10%. Gỗ rừng trồng Việt Nam trong những năm tới vẫn chủ yếu có đường kính nhỏ, độ thon không đảm bảo, phân cành sớm, lõi đen, thân gỗ nhiều khuyết tập. Năng suất rừng trồng thấp, giá thành gỗ rừng khai thác từ rừng trồng cao nên sức cạnh tranh thấp. Diện tích trồng rừng hiện nay chủ yếu tăng theo hướng phát triển trồng loài cây sinh trưởng nhanh, mật độ lớn, chu kỳ kinh doanh ngắn, coi trọng số lượng, chưa chú ý nhiều đến chất lượng; diện tích trồng cây có chu kỳ kinh doanh dài ít.
Ba là, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp: Các thị trường lớn và các hiệp định yêu cầu kiểm soát chặt chẽ các nguồn gỗ hợp pháp. Một số nước như Úc, Nhật Bản đã bắt đầu xem xét đưa các yêu cầu chặt chẽ với truy xuất gỗ hợp pháp trong sản phẩm xuất khẩu. Hiện nay, có khoảng 225.000 ha đã được cấp chứng chỉ rừng quốc tế, chiếm 8% diện tích rừng trồng sản xuất; gần 1 triệu chủ rừng nhỏ gặp khó khăn khi xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, báo cáo địa danh, diện tích, khối lượng gỗ dự kiến khai thác.
Xuất phát từ yêu cầu của Hiệp định EVFTA, thực thi cam kết VPA, việc nghiên cứu nhu cầu gỗ rừng trồng cho chế biến xuất khẩu đáp ứng yêu cầu Hiệp định EV FTA và thực thi cam kết VPA ở Việt Nam là rất cần thiết nhằm mục đích tăng cường khả năng cung ứng gỗ rừng trồng bền vững đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về số lượng, chất lượng và tính hợp pháp các sản phẩm gỗ và đồ gỗ sang thị trường EU.
Để tìm hiểu chi tiết Báo cáo nghiên cứu, vui lòng truy cập tại ĐÂY