Đối tác chiến lược của

noi that hoa phat

Sustainable Agriculture

 

Nông nghiệp và Sinh kế bền vững

 


Nông nghiệp và Sinh kế bền vững luôn là một trong những lĩnh vực trọng tâm của SRD và được thực hiện thông qua các dự án tập trung các can thiệp về nông nghiệp bền vững với các mô hình sản xuất nông nghiệp, mô hình sinh kế thích ứng và có khả năng chống chịu và phục hồi với tác động của Biến đổi khí hậu nhằm nâng cao thu nhập cho người dân ở các vùng nông thôn, miền núi đặc biệt là phụ nữ và dân tộc thiểu số, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiếu phát thải khí nhà kính, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của Biến đổi khí hậu và trao quyền cho cộng đồng người dân địa phương để họ quản lý sinh kế và môi trường sống của chính họ một cách bền vững.

SRD nỗ lực thực hiện Nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA), Nông nghiệp thích ứng với khí hậu (CAA), Nông nghiệp thích ứng với khí hậu (CRA) và các hệ thống nông lâm kết hợp bền vững nhằm giúp mọi người giảm thiểu phát thải và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Chúng tôi cũng khuyến khích sự tham gia và nâng cao khả năng ra quyết định của người dân nông thôn trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong cộng đồng của họ.

 

Dự án “Giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH trong lĩnh vực nông lâm nghiệp tại vùng núi cao Tây Bắc – VM070”

Dự án "Giảm nhẹ và thích ứng với Biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp tại vùng núi cao Tây Bắc" được Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới của Đức cùng nguồn vốn đối ứng từ UBND huyện Thuận Châu tài trợ. Dự án triển khai từ 01/01/2021 đến 31/12/2023 với đơn vị chủ trì là SRD cùng sự phối hợp với UBND huyện Thuận Châu, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Mục tiêu tổng thể của dự án là Tăng cường hệ thống nông nghiệp thích ứng và thân thiện với khí hậu; Giảm nhẹ tác động của Biến đổi khí hậu thông qua quản lý rừng cộng đồng; Các hình thức thích ứng của Biến đổi khí hậu được lồng ghép và tích hợp trong các chính sách và kinh phí cần thiết được nhà nước phân bổ.

1. Đánh giá tính dễ bị tổn thương bởi Biến đổi khí hậu 

Tính dễ bị tổn thương của Biến đổi khí hậu dược đánh giá trên toàn bộ 8 bản thuộc 4 xã dự án với sự tham gia của 144 hộ gia đình, đã xác định được các vấn đề trọng điểm về Biến đổi khí hậu trong khu vực, các hậu quả thường xuyên xảy ra như sạt lở đất, xói mòn, rửa trôi, lũ lụt, băng giá, hạn hán và các tác động tới cây trồng, vật nuôi, đời sống cộng đồng. Kết quả đánh giá là cơ sở để biên soạn, thiết kế và in ấn 20,000 tờ lịch mùa vụ và phát hoa toàn bộ các hộ dân tại các bản dự án.

2. Kết nối giữa khoa học hiện đại và tri thức bản địa trong cải thiện sinh kế thích ứng với Biến đổi khí hậu

- Dự án đã thành lập và vận hành 16 nhóm sở thích trồng lúa và cà phê với hơn 400 thành viên (tỷ lệ nữ 50%).

- Đã tổ chức được 10 mô hình tập huấn canh tác lúa thích ứng với Biến đổi khí hậu (CAR) với sự tham gia của 300 người đại diện cho 300 hộ gia đình tại 8 bản của 4 xã dự án, mỗi lớp tập huấn có 8 đợt học theo phương pháp FFS và 1 hội nghị kết quả đầu bờ. Phương pháp canh tác này giảm được 2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm được 2 lần công lao động (trong đó, công làm cỏ và công nhổ mạ giảm được khoảng 67%), giảm được 30-70% lượng thóc giống, thành phần thiên địch trung bình tăng lên 2,5 loài với tỷ lệ thiên địch xuất hiện là 45-50%, năng suất và chất lượng lúa tăng trung bình là 1,5 tấn/ha.

- Đã thực hiện phục tráng 02 giống lúa nếp bản địa là nếp Chiến tại bản Biên, xã Nậm Lầu và nếp Tan Lanh tại bản Ta Khoang, xã Chiềng Pha. Kết quả năm 2021 là đã chọn được 150 bông lúa triển vọng với nhiều đặc tính thuần chủng nhất tại mỗi ruộng mô hình. Những bông lúa này sẽ được lữu giữ và tiếp tục tiến hành phục tráng ở mùa vụ tiếp theo.

- Đã tổ chức được 4 mô hình canh tác cà phê bền vững với tổng số học viên là 120 người.

- Đã thực hiện mô hình canh tác khoai sọ bền vững tại xã Nậm Lầu với 7 đợt tập huấn, canh tác khoai sọ theo giải pháp thân thiện với tự nhiên, sử dụng phân hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.

- Mô hình chăn nuôi gà bản địa an toàn sinh học, thân thiện với môi trường được thực hiện tại cả 8 bản của 4 xã dự án với gần 250 hộ tham gia, thúc đẩy người dân gìn giữ các giống gà bản địa và áp dụng kỹ thuật chăn nuôi nhằm tăng giá trị kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường, giảm dịch bệnh trên gia cầm.

3. Quản lý và sử dụng hợp lý nguồn nước trong bối cảnh Biến đổi khí hậu, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của rừng trong giảm thiểu tác động của Biến đổi khí hậu

- Dự án đã đánh giá được thực trạng cung - cầu nước và tập huấn giải pháp quản lý, sử dụng nước hợp lý tại 16 bản dự án, thành lập 16 hội người dùng nước với 454 người tham gia, bước đầu hình thnafh các quy định về sử dụng nước, bảo vệ và thu phí sử dụng nước tại các địa phương.

- Đã tổ chức được 8 diễn đàn về vai trò rừng, 8 diễn đàn về quản lý rừng cộng đồng và 8 diễn đàn về Dịch vụ môi trường rừng, thực hiện hỗ trợ kỹ thuật và thúc đẩy người dân trồng cây lâm nghiệp phân tán trên nương cà phê, giúp người dân bảo tồn và tăng độ che phủ rừng bền vững, đảm bảo giảm phát thải khí nhà kính, tăng trữ lượng Carbon, bảo vệ nguồn nước.

4. Phát huy nội lực cộng đồng trong bối cảnh Biến đổi khí hậu

- Đào tạo cán bộ địa phương thông qua các lớp tập huấn ToT, xây dựng đội ngũ giảng viên trẻ có tiềm năng tại 4 xã dự án, tận dụng nguồn lực địa phương trong việc phổ biến và áp dụng các giải pháp kỹ thuật thích ứng với Biến đổi khí hậu trong cộng đồng.

- Thành lập và vận hành 8 nhóm tiết kiệm thôn bản (VSLA), tận dụng nguồn lực cộng đồng trong việc cải thiện sinh kế.