Đối tác chiến lược của

noi that hoa phat

 ĐỀ XUẤT CHÍNH SÁCH GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG TRONG CHẾ BIẾN GỖ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

                                                                       Viện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng

 

Báo cáo này được thực hiện với sự hỗ trợ tài chính của Liên minh Châu Âu (EU). Nội dung của báo cáo thuộc trách nhiệm của SFMI và không nhất thiết phản ánh quan điểm của EU.

(This report was produced with the financial support of the European Union. Its contents are sole responsibility of SFMI and do not necessarily reflect the views of the European Union)

 Dự án điều tra đánh giá để lập báo cáo “Vấn đề môi trường và xã hội của các doanh nghiệp ngành gỗ hướng tới đáp ứng các quy định của Hiệp định EVFTA” đã được tiến hành tại ba tỉnh Phú Thọ, Thừa Thiên – Huế và tỉnh Bình Định cho thấy ô nhiễm môi trường do hoạt động chế biến gỗ là một trong những nội dung cần được xem xét giải quyết một cách nghiêm túc.

Trên cơ sở tài liệu, thông tin thu thập được trong quá trình điều tra đánh giá tại ba tỉnh, dưới đây là một số đề xuất một số chính sách nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong chế biến gỗ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa với hai nội dung chính như sau:

Một là những phát hiện chính: với nội dung chủ yếu là nêu thực trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động chế biến gỗ của các doanh nghiệp và nguyên nhân của thực trạng hiện nay.

Hai là một số khuyến nghị: là một số nội dung khuyến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét ban hành chính sách mới nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường do các hoạt động chế biến gỗ gây ra.

I. Những phát hiện chính

1. Thực trạng

Ô nhiễm môi trường là hiện tượng môi trường tự nhiên bị ô nhiễm làm ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của con người và tác động tiêu cực đến thiên nhiên, nguyên nhân ô nhiễm môi trường có nhiều nhưng chủ yếu là do hoạt động của con người gây ra, trong đó có hoạt động chế biến gỗ của các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ).

Qua tham vấn 22 doanh nghiệp chế biến gỗ vừa và nhỏ, người lao động trong doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và UBND một số xã gần doanh nghiệp tại các tỉnh Phú Thọ, Thừa Thiên – Huế và tỉnh Bình Định (trong đó tỉnh Phú Thọ tham vấn 10 doanh nghiệp, Thừa Thiên – Huế 8 doanh nghiệp và tỉnh Bình Định 4 doanh nghiệp) đã phát hiện được nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường do các hoạt động chế biến gỗ gây ra, dưới đây là một số ví dụ.

Vừa qua Quốc hội nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01tháng 01 năm 2022[1], do vậy đến nay Luật Bảo vệ môi trường 2014 vẫn còn hiệu lực theo đó các doanh nghiệp trước khi đưa Dự án chế biến gỗ đi vào hoạt động doanh nghiệp phải có Báo cáo đánh giá tác động môi trường[2] hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường[3] đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Qua tham vấn tại 3 tỉnh cho thấy tỉnh Phú Thọ chỉ có 55,5% số doanh nghiệp có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường, tỷ lệ này ở tỉnh Bình Định là 75%, tỉnh Thừa Thiên – Huế là 100%.

Biểu số 1: Tỷ lệ % doanh nghiệp có Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường[4]

Báo cáo đánh giá TĐMT hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường.

Tỉnh

Phú Thọ

Thừa Thiên – Huế

Bình Định

 Tỷ lệ DN có Báo cáo hoặc có KH

55,5%

100,0%

75,0%

Qua tham vấn cho thấy 100% doanh nghiệp chế biến gỗ tại 3 tỉnh trong có phát sinh ra chất thải trong sản xuất và làm ô nhiễm môi trường, riêng tỉnh Bình Định 100% doanh nghiệp chế biến trong sản xuất đã có tác động xấu đến môi trường, tỉnh Phú Thọ tỷ lệ này là 7,5% và tỉnh Thừa Thiên - Huế là 15,0%.

Biểu số 2: Tỷ lệ % doanh nghiệp có chất thải và gây ô nhiễm môi trường[5]

Ý kiến của DN

Tỉnh

Phú Thọ

Thừa Thiên – Huế

Bình Định

DN trong chế biến gỗ có rác thải

100,0%

100,0%

100,0%

Có gây ô nhiễm môi trường

7,5%

15,0%

100,0%

Mặc dù sản sinh ra chất thải gây ô nhiễm môi trường nhưng nhiều doanh nghiệp không có hệ thống xử lý chất thải hoặc không có biện pháp để giảm tác động xấu đến môi trường do hoạt động chế biến gỗ gây ra, Ở tỉnh Bình Định số doanh nghiệp không có hệ thống xử lý chất thải chiếm tỷ lệ 100%. Số doanh nghiệp có biện pháp giảm tác động xấu đến môi trường ở tỉnh Phú Thọ có tỷ lệ thấp hơn so với hai tỉnh còn lại.

Biểu số 3: Tỷ lệ % doanh nghiệp không có hệ thống xử lý chất thải và

biện pháp giảm thiểu tác động môi trường[6]

Ý kiến của DN và Cộng đồng

Tỉnh

Phú Thọ

T.Thiên – Huế

Bình Định

1. DN có hệ thống xử lý chất thải

 

 

 

-         Ý kiến của doanh nghiệp

30,0%

63,0%

0,0%

-         Ý kiến của người lao động

37,5%

75,0%

0,0%

2. DN có biện pháp giảm nhẹ tác động

 

 

 

-         Ý kiến của doanh nghiệp

75,0%

100,0%

100,0%

-         Ý kiến của người lao động

65,0%

95,0%

100,0%

Các chất thải trong quá trình chế biến gỗ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường thấy là tiếng ồn, bụi gỗ, khói, mùi của sơn, véc ni hoặc dầu bóng, trong đó chủ yếu là tiếng ồn và bụi

2. Nguyên nhân

Nguyên nhân của thực trạng trên có nhiều, song qua tham vấn các doanh nghiệp, người lao động, cộng đồng dân cư và UBND xã liên quan cho thấy có một số môi trường chủ yếu là:

Một là: Nhà xưởng, dây truyền sản xuất, máy móc thiết bị của doanh nghiệp phần lớn là cũ và lạc hậu.

Đổi mới thiết bị và công nghệ không chỉ làm nhằm tăng năng suất, chất lượng, tỷ lệ tân dụng nguyên liệu theo đó làm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là mục tiêu và yêu cầu sống còn của doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay mà còn giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Song hiện tại phần lớn các DNVVN của ta với nguồn lực còn hạn chế, cho nên việc đổi mới thiết bị và công nghệ còn rất khiêm tốn, tỷ lệ % số doanh nghiệp đổi mới máy móc, thiết bị và dây truyền sản xuất thấp. Cụ thể tỷ lệ doanh nghiệp có máy móc thiết tiền tiến chiếm tỷ trọng rất nhỏ, ở tỉnh Bình Định chỉ có 22,5% doanh nghiệp có máy móc, thiết bị tiền tiến.

Biểu số 4: Tỷ lệ % doanh nghiệp có máy móc thiết bị tiên tiến[7]

Ý kiến của DN

Tỉnh

Phú Thọ

Thừa Thiên – Huế

Bình Định

% DN có máy móc thiết bị tiên tiến

32,5%

53,0%

22,5%

Qua phỏng vấn người lao động trong các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư gần doanh nghiệp cho rằng nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường (bụi gỗ, tiếng ồn…) là do doanh nghiệp sử dụng các máy móc thiết bị cũ hoặc đã dây truyển sản xuất lạc hậu.

Hai là: Nguồn lực về vốn đầu tư rất yếu, khó tiếp cận vốn vay, không ít doanh nghiệp không được hưởng từ chính sách vốn vay ưu đãi của Nhà nước.

Vốn sản xuất kinh doanh là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với doanh nghiệp, nhưng hiện nay thiếu vốn để ổn định và phát triển sản xuất vẫn đang hiện hữu và là rào cản cao nhất, khó nhất đối với các DNVVN nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc doanh nghiệp được phát triển từ hộ gia đình đặc biệt là đối với những doanh nghiệp không có tài sản thế chấp.

Vốn đầu tư cho sản xuất của các doanh nghiệp đến từ nhiều nguồn, nhưng phần lớn các doanh nghiệp trông chờ vào vốn vay từ ngân hàng, song vì nhiều nguyên nhân nên các doanh nghiệp khó hoặc không tiếp cận được các nguồn vốn vay nhất là vốn vay ưu đãi, vốn vay dài hạn kể cả vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Để giải quyết khó khăn đó các ngân hàng đã áp dụng quy trình, thủ tục đơn giản trong tín dụng; tăng cường minh bạch hóa thông tin tín dụng, công khai quy trình, thủ tục hồ sơ, thời gian cung cấp dịch vụ, lãi suất, phí dịch vụ; thương thảo, chia sẻ với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện cho các DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng thuận lợi và theo đúng quy định của pháp luật.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và nhỏ đã xác định các nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm: (i) Nguồn vốn tín dụng có hỗ trợ, bảo lãnh của Nhà nước; (ii) Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; (iii) Nguồn vốn hỗ trợ từ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và các khoản khác phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; và (iv) Nguồn vốn hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài[8]. Các tỉnh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa[9]; tuy nhiên, do chính sách mới ban hành nên việc đánh giá tác động của chính sách này chưa có thông tin cụ thể.

Qua tham vấn tại 3 tỉnh cho thấy nguồn vốn của các doanh nghiệp bao gồm vốn tự có, vốn vay và nguồn khác, trong đó vốn tự có của các doanh nghiệp ở 3 tỉnh có tỷ lệ từ bằng hoặc dưới 50,0% tổng số vốn đầu tư, riêng số doanh nghiệp không được tiếp cận vốn vay ưu đãi chiếm tỷ lệ rất cao, ví dụ ở tỉnh Phú Thọ tỷ lệ này là 80,0%.

Biểu số 5: Cơ cấu vốn trong các doanh nghiệp (%)[10]

Ý kiến của DN

Tỉnh

Phú Thọ

Thừa Thiên – Huế

Bình Định

1. Cơ cấu các loại vốn

 

 

 

-         Tự có

46,7%

40,0%

50,0%

-         Vay

47,3%

55,0%

50,0%

-         Khác

6,0%

5,0%

0,0%

2. Không được vay vốn ưu đãi

80,0%

 

 

Nguồn vốn khó khăn và ít ỏi tất yếu dẫn đến sự sao nhãng và không quan tâm đầu tư giảm thiểu tác động xấu môi trường của các doanh nghiệp là điều rất dễ xảy ra. Ví dụ: qua tham vấn 100,0% doanh nghiệp cho biết có cam kết bảo vệ môi trường, song nhiều doanh nghiệp không có kinh phí để thực hiện cam kết đó (bao gồm kinh phí của doanh nghiệp, từ Nhà nước hoặc từ các nguồn hỗ trợ khác). Tỉnh Phú Thọ chỉ có 42,3% số doanh nghiệp có kinh phí thực hiện cam kết bảo vệ môi trường, tỉnh Bình Định có tỷ lệ là 50,0%, tỉnh Thừa Thiên-Huế là 100%[11].

Ba là: Các cơ sở chế biến gỗ của các doanh nghiệp phần lớn nằm trong khu dân cư nên chất thải đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của cộng đồng.

Nhìn chung cơ sở chế biến gỗ (nhà máy, xí nghiệp, xưởng/phân xưởng) của các doanh nghiệp thường nằm xen lẫn trong khu dân cư nên chất thải trong quá trình chế biến đã tác động trực tiếp đến môi trường sống của cộng đồng, tác động đó càng tăng một khi quy mô sản xuất tăng và địa điểm sản xuất đặt ở nơi có mật độ dân số cao (tại các thị trấn, các phường) nơi đô thị phát triển.

Thực trạng đó đã và sẽ còn tiếp tục diễn ra nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn vốn ít ỏi, việc xin được cấp đất hoặc thuê đất để sản xuất rất khó khăn, xin vào khu công nghiệp có địa phương không có hoặc nơi có khu công nghiệp nhưng phải mất tiền thuê nên giải pháp hữu hiệu nhất là doanh nghiệp sử dụng/tận dụng diện tích đất mà họ đã có để xây dựng xí nghiệp, nhà xưởng, nơi này cũng có thể là nơi gia đình họ sinh sống để tiện lợi cho việc quản lý sản xuất.

Tình trạng trên đã gây bức xúc không nhỏ trong các dân cư, có nhiều ý kiến yêu cầu “doanh nghiệp sản xuất trong giờ hành chính, không sản xuất ngoài giờ hành chính để nhân dân nghỉ ngơi”[12] hoặc doanh nghiệp phải “chi trả tiền môi trường độc hại cho các hộ bị ảnh hưởng”[13] do hoạt động chế biến gỗ gây ra. Qua đây cho thấy cộng đồng dân cư không mong muốn có cơ sở chế biến gỗ nằm trong khu dân cư của họ.

II. Một số khuyến nghị

Để giảm thiểu tác động tiêu cực của các hoạt động chế biến gỗ đến môi trường đòi hỏi phải có tổng thể các giải pháp và chính sách. Trong khuôn khổ tài liệu này xin đề xuất 3 khuyến nghị như sau:

1. Chính sách tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ vốn đầu tư trong đó có vốn vay ưu đãi.

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét ban hành cơ chế, chính sách giảm các điều kiện cho vay trong đó có chính sách/quy định trường hợp doanh nghiệp không có tài sản thế chấp được vay vốn sản xuất (bao gồm cả vốn vay ưu đãi) đặc biệt đối với những doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp có kế hoạch đổi mới công nghệ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; quy trình, thủ tục cho vay đơn giản, doanh nghiệp dễ làm dễ thực hiện.

Ưu tiên cho vay vốn khi doanh nghiệp đầu tư mua sắm, đổi mới dây truyền sản xuất, trang thiết bị tiên tiến, các vật liệu thân thiện với môi trường, đầu tư xây dựng các công trình/hệ thống xử lý chất thải 

2. Chính sách khuyến khích ứng dụng vật tư, thiết bị, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Miễn 100,0% thuế nhập khẩu các loại vật tư, máy móc, thiết bị liên quan đến sản xuất và chế biến gỗ có tác dụng giảm thiểu hoặc không có tác động tiêu cực đến môi trường hoặc hỗ trợ một khoản chi phí tương đương với số tiền thuế nhập khẩu đối với những vật tư, máy móc, thiết bị sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn cùng với loại phải nhập khẩu, số tiền miễn thuế hoặc hỗ trợ nói trên được khấu trừ vào số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của doanh nghiệp.

Miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp đầu tư mua sắm, đổi mới dây truyền sản xuất, trang thiết bị tiên tiến giảm thiểu tác hại đến môi trường, các vật liệu thân thiện với môi trường hoặc đầu tư xây dựng các công trình/hệ thống xử lý chất thải.

Nhà nước cần quy định thời hạn để các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phải đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trong đó có quy định về việc bị xử lý nếu doanh nghiệp không chấp hành.

3. Chính sách loại bỏ các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở chế biến gỗ (gọi tắt là cơ sở chế biến) của các doanh nghiệp nằm xen kẽ trong các khu vực quy hoạch dân cư

Thực hiện nguyên tắc phát triển các cơ sở chế biến gỗ nhưng không để các cơ sở chế biến tồn tại và tiếp tục hình thành xen kẽ trong khu dân cư.

Nhà nước quy hoạch khu vực riêng cho các cơ sở sản xuất nói chung và cho các cơ sở chế biến nói riêng, không  nằm gần các khu dân cư. Các khu vực này có thể ở cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh (tương tự như khu công nghiệp, khu chế xuất ...).

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền không phê duyệt dự án, không giao đất, cho thuê đất, không cấp giấy phép kinh doanh cho các doanh nghiệp đặt cơ sở chế biến ngoài khu vực đã quy hoạch cho các cơ sở chế biến đã được Nhà nước phê duyệt.

Xây dựng lộ trình và tổ chức thực hiện việc di rời tất cả cơ sở chế biến ra khỏi khu dân cư ban hành kèm theo chính sách ưu đãi đặc biệt cho việc di rời các cơ sở chế biến để khuyến khích, thúc đẩy việc di rời đúng lộ trình, đạt hiệu quả cao. Quá thời hạn quy định những doanh nghiệp không thực hiện Nhà nước sẽ đình chỉ sản xuất, cưỡng chế cơ sở chế biến ra khỏi khu dân cư.

 

Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội: Luật số 55/2014/QH13 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014

2. Quốc hội: Luật số: 72/2020/QH14 Luật bảo vệ môi trường năm 2020

3. Quốc hội: Luật số 04/2017/QH 14, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

4. Quốc hội: Luật số 16/2017/QH 14, Luật Lâm nghiệp

5. Chính phủ: Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, ngày 11-03-2018 Quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

6. Thủ tướng chính phủ: Chỉ thị 08/CT-TTg, ngày 28/3/2019 Về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu;

7. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01-04-2021 Phê duyệt Phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

8. Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ: Nghị quyết số 15/2020/NQ-HĐND, ngày 09-12-2020 Quy định hỗ trợ sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa đầu tư đổi mới, hiện đại hoá công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

9. Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế: Nghị quyết số 04/2018/NQQ-HĐND, ngày 30-03-2018 Quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thừa Thiên Huế.

10. Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định: Nghị quyết số 41/2018/NQ-HĐND, ngày 07-12-2018 Quy định chính sách hỗ trợ giá thuê mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định.

11. Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng: Báo cáo Vấn đề môi trường và xã hội của các doanh nghiệp ngành gỗ hướng tới đáp ứng các quy định của Hiệp định EVFTA - tháng 8 năm 2021.

12. Các phiếu phỏng vấn doanh nghiệp chế biến gỗ, người lao động, cộng đồng dân cư và UBND xã gần doanh nghiệp chế biến tại các tỉnh Phú Thọ, Thừa Thiên – Huế và tỉnh Bình Định



[1] Điều 170 Luật Bảo vệ môi trường 2020

[2] Mục 3 Chương II Luật Bảo vệ môi trường 2014

[3] Mục 4 Chương II Luật Bảo vệ môi trường 2014

[4] Tổng hợp từ phiếu phỏng vấn của 22 doanh nghiệp ở 3 tỉnh Phú Thọ, Thừa Thiên-Huế và tỉnh Bình Định

[5] Tổng hợp từ phiếu phỏng vấn của 22 doanh nghiệp ở 3 tỉnh Phú Thọ, Thừa Thiên-Huế và tỉnh Bình Định.

[6] Tổng hợp từ phiếu phỏng vấn của 22 doanh nghiệp và 120 người lao động trong doanh nghiệp ở 3 tỉnh Phú Thọ, Thừa Thiên-Huế và tỉnh Bình Định.

[7] Tổng hợp từ phiếu phỏng vấn của 22 doanh nghiệp ở 3 tỉnh Phú Thọ, Thừa Thiên-Huế và tỉnh Bình Định..

[8] Điều 6 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017

[9] Nghị quyết của HĐND các tỉnh Phú Thọ (năm 2020), Thừa Thiên-Huế (năm 2018) và tỉnh Bình Định (năm 2018) về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

[10] Tổng hợp từ các phiếu phỏng vấn các doanh nghiệp

[11] Tổng hợp từ phiếu phỏng vấn của 22 doanh nghiệp ở 3 tỉnh Phú Thọ, Thừa Thiên-Huế và tỉnh Bình Định.

.

[12] Ông Nguyễn Tiến Thành UBND xã Ấm Hạ, huyện hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ

[13] Ông Phùng Đức Long UBND thị trấn Thanh Sơn và ông Hà Duy Tiệp UBND xã Sơn Hùng huyện Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ

Đối tác chiến lược ngành in

in bạt