MÔ HÌNH TÔM 2 GIAI ĐOẠN TẠI VƯỜN QUỐC GIA MŨI CÀ MAU GÓP PHẦN NÂNG CAO NĂNG LỰC THÍCH ỨNG VỚI BIỂN ĐỔI KHÍ HẬU CHO CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ DỄ BỊ TỔN THƯƠNG
Dự án “Bảo vệ khí hậu và rừng ngập mặn kết hợp với cải thiện thu nhập cho các cộng đồng dễ bị tổn thương (VM069)” được Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững (SRD) thực hiện tại Vườn Quốc Gia Mũi Cà Mau, BQL RPH Tam Giang của tỉnh Cà Mau với mục tiêu tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học, phát triển rừng ngập mặn góp phần thúc đẩy quá trình hấp thụ Carbon, tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu, đảm bảo sinh kế bền vững và hoà nhập xã hội cho các cộng đồng nghèo và dễ bị tổn thương ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Khu vực Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau
Trong những năm gần đây, thời tiết, nắng mưa ngày càng thất thường, tác động của biến đổi khí hậu ngày một tăng lên, ảnh hưởng đến nhiệt độ, lượng mưa, nắng thay đổi, triều cường, nước biển cũng thay đổi theo. Các điều kiện đó thay đổi làm môi trường nước thay đổi, mùa vụ cũng thất thường, năng suất tôm, cua giảm mạnh. Các hộ gia đình cũng thường thả nuôi tôm, cua theo kinh nghiệm, kỹ thuật đời trước truyền dạy, chưa có được học tập, chỉ dạy bài bản nên càng trở lên khó khăn.
Bể ương tôm 2 giai đoạn
Nhận thấy vấn đề cấp bách trên, Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) đã phối hợp với Liên hiệp Hội phụ nữ tỉnh Cà Mau, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Sở Nông nghiệp và PTNT Cà Mau triển khai Mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn dưới tán rừng ngập mặn cho các hộ gia đình sinh sống tại khu vực VQG Mũi Cà Mau. Đây là các hộ gia đình chịu tổn thương bởi biến đổi khí hậu.
Người dân địa phương được giới thiệu, hướng dẫn và tiến hành lắp đặt bể ương
Với hỗ trợ của dự án và chuyên gia, người dân địa phương đã xây dựng một bể ương đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Tham gia các lớp tập huấn để nắm được mô hình, yêu cầu, các kỹ thuật trong thực hiện mô hình. Với mỗi giai đoạn, đều có chuyên gia, cán bộ VQG chỉ dạy tận tay, tại thực tế, làm từng bước, từng bước một để nắm thật chắc kỹ năng.
Hộ gia đình tham gia tập huấn, trao đổi, thực hành kỹ thuật
Các lớp học kết hợp cả lý thuyết và thực hành, học viên được đi tham quan thực tế bể ương tôm tại Phường Tân Xuyên, thành phố Cà Mau và xã Khánh An, huyện U Minh. Học các chuyên đề về thiết kế bể ương tôm; thực hành làm bể ương tôm; cách ương tôm trên bể ương; cải tạo vuông nuôi, chọn giống và thả giống; chăm sóc và quản lý môi trường nước; hướng dẫn sử dụng một số loại vật tư; cách phòng trị một số bệnh trên tôm.
Kiểm tra nguồn nước, thả giống vào bể ương
Đến nay, bể ương đã tiến hành thành công 02 đợt ương, mỗi đợt ương 200 nghìn con tôm. Trong đó đợt 1 thu được 133.100 con, tỷ lệ sống đạt 66,55%; đợt 2 thu được 167.000 con, tỷ lệ sống đạt 83,5%. Tổng 02 đợt ương được 300.100 con, đạt tỷ lệ sống 75%; cả 02 lần ương tôm tăng trưởng rất nhanh, kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh.
Đây là tôm giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng ổn định và kích cỡ lớn hơn so với con giống chưa được ương trước đây. Sau khi nhận bàn giao, các hộ dân thả nuôi trong môi trường tự nhiên, dưới tán rừng ngập mặn.
Hầu hết các hộ dân nhận được tôm giống rất vui mừng vì nhận được tôm giống kích cỡ lớn, sinh trưởng ổn định, đạt đầu con và hy vọng sau khi thả sẽ trúng được vụ tôm này trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Kiểm tra giống, thu hoạch và thả tôm giống vào vuông nuôi
Trước tình hình dịch bệnh, chất lượng nguồn giống một số nơi không đảm bảo, nguồn gốc không rõ ràng nên việc hỗ trợ một phần con giống từ dự án trên cho người dân là rất cần thiết. Hoạt động này không chỉ giúp cho hộ dân an tâm sản xuất, có thêm thu nhập mà còn góp phần vào công tác quản lý bảo vệ rừng trên lâm phần Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau ngày càng tốt hơn. Trong thời gian tới, dự án VM069 sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ các loại con giống như tôm tích, cá bống mú và tôm sú giống quảng canh cải tiến 2 giai đoạn cho một số hộ dân ở ấp Cồn Mũi và ấp Mũi, xã Đất Mũi để góp phần cải thiện thu nhập cho các cộng đồng dễ bị tổn thương mà vùng dự án đang triển khai thực hiện.
Hình thức tổ chức sản xuất này mang tính cộng đồng, tuân theo quy trình khoa học, đồng thời hỗ trợ, đoàn kết, đúc kết được kinh nghiệm trong quá trình phát triển sinh kế và nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH cho cộng đồng dân cư nơi đây.
Tham khảo thêm:
LỚP HỌC TẠI HIỆN TRƯỜNG NUÔI TÔM 02 GIAI ĐOẠN (camau.gov.vn)
Tổ chức bàn giao 400 ngàn con tôm sú giống cho 20 hộ dân ở ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi (camau.gov.vn)