Nước sinh hoạt luôn là một vấn đề vô cùng quan trọng trong đời sống của mỗi con người. Nó lại càng cấp thiết và đặc biệt hơn tại các vùng núi cao Tây Bắc - nơi mà nhiều hộ dân đang phải đối mặt với hàng loạt điều kiện thời tiết bất lợi như rét đậm rét hại, sương muối, mưa lũ, sạt lở đất, khô hạn, nắng nóng bất thường… dẫn đến tình trạng dần thiếu nước trong những năm trở lại đây.
Trong khuôn khổ của dự án “Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp tại vùng núi Tây Bắc”, do tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (Đức) tài trợ. Từ ngày 03/6 đến 08/6/2022, Trung tâm SRD đã phối hợp cùng các đối tác tại tỉnh Sơn La và huyện Thuận Châu tổ chức các đợt thúc đẩy và hỗ trợ các bản trong 4 xã dự án thực hiện việc Quản lý, điều tiết, duy tu bảo trì các công trình nước, các mó nước.
Thảo luận nhóm tại các bản Sảng Sang và bản Thán Sàng, xã Muổi Nọi
Nội dung của các buổi hỗ trợ, thúc đẩy là các cuộc thảo luận giữa nhóm cán bộ từ SRD, Chi cục TT&BVTV và Trung tâm nước sạch tỉnh Sơn La với đại diện thành viên BQL các bản, đại diện các tổ quản lý nước và người dân về thực trạng trong quản lý, điều tiết, duy tu bảo trì các công trình nước, các mó nước sinh hoạt; những giải pháp để xử lý một số mâu thuẫn hiện có tại các bản, cũng như chia sẻ những cách làm hay/ sáng kiến trong quá trình quản lý, điều tiết, duy tu bảo trì công trình nước/ mó nước.
Những kết quả ở phần thảo luận về thực trạng quản lý, điều tiết và duy tu bảo trì các công trình nước, mó nước thì các bản đều chia sẻ rằng năm 2022 lượng mưa nhiều hơn một chút so với những năm 2021 trở về trước, khiến việc thiếu nước sinh hoạt không xảy ra phổ biến như các năm trước, đặc biệt là tại các bản như bản Bó, bản Muổi Nọi (xã Muổi Nọi) thường phải mua nước sinh hoạt trong các tháng từ tháng 2 đến tháng 5. Bên cạnh yếu tố thuận lợi khách quan về thời tiết nêu trên, công tác quản lý và điều tiết nước trong 6 tháng đầu năm 2022 cũng có một số điểm tích cực đã được cải thiện hơn so với các năm trước như: tình trạng sử dụng nước sinh hoạt cho sản xuất và chăn nuôi đã được thắt chặt hơn; việc người dân lấy trộm hoặc phá hoại đường ống dẫn nước của nhau cũng hạn chế; nhiều hộ gia đình đã ý thức hơn và chủ động trữ nước mưa để dùng làm nước sinh hoạt, đặc biệt là để dành cho mùa khô hạn.
Thảo luận nhóm tại bản Phặng, xã Bon Phặng
Khi thảo luận về những sáng kiến trong cách quản lý, điều tiết, duy tu bảo trì các công trình nước, các mó nước tại các bản, thành viên tại các bản đã có một số chia sẻ như sau: Cần vận động người dân chủ động đóng góp tiền và nhân công để nâng cấp và xây tường cao bao quanh mó nước nhằm ngăn đất đá vào mùa mưa không tràn vào gây tắc các đường ống (như bản Noong Ỏ, xã Bon Phặng đã thực hiện); Phải chủ động vệ sinh các bể lắng lọc sau mỗi đợt mưa to, đặc biệt là mưa dài ngày để tránh đất cát và lá cây chảy lấp các đường dẫn; Cần thường xuyên, kiên trì đưa các vi phạm về quy định sử dụng nước, điều tiết nước như sử dụng sai mục đích về nước sinh hoạt cho nước sản xuất và nuôi trồng thủy sản, ăn cắp nước, phá hoại đường ống nước… ra thảo luận và cùng tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ tại mỗi tổ liên gia tự quản, giữa các tổ liên gia tự quản với nhau và trong các buổi họp bản. Về vấn đề thích ứng với việc thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô thì ý kiến được nhiều người đồng thuận là tiếp tục sử dụng những téc nước, bể chứa… để tận dụng nước mưa. Tiếp tục tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của bản để mọi người dân tuân thủ việc sử dụng nguồn nước sinh hoạt đúng mục đích, cũng cần thảo luận và đồng thuận về những giải pháp xử lý những hộ gia đình có các hành vi gian lận trong sử dụng nước, đặc biệt là phá hoại hệ thống cấp nước và dẫn nước của nhau.
Mó nước của bản Sẳng Sang, xã Muổi Nọi vào mùa mưa. Mó này cần được thau rửa và vệ sinh thường xuyên sau mỗi đợt mưa lũ
Trong thời gian tiếp theo, Trung tâm SRD sẽ tiếp tục phối hợp cùng các đối tác tại Sơn La, UBND 4 xã dự án và các bản cùng thực hiện những công việc sau: Đi kiểm tra, ghi chép và cập nhật tình hình mưa lũ, sạt lở đất nói chung và sạt lở đất tại các mó nước, khe nước nói riêng trong 3 tháng tiếp theo với UBND xã và SRD; Ban quản lý bản và thành viên các tổ quản lý nước và đại diện các nhóm liên gia tự quản sẽ chủ động bảo trì và sửa chữa các bể chứa, bể lọc lắng và các đường ống, đặc biệt sau mỗi đợt mưa to; Tuyên truyền và đưa các nội dung về quản lý điều tiết nước vào các buổi họp bản, đặc biệt là việc vận động người dân không phá hoại đường ống của nhau, không phun hóa chất diệt cỏ cháy ở quanh khu mó nước; Sẽ tiếp tục có các buổi thảo luận, chia sẻ với SRD trong thời gian tới và năm 2023.
Mó nước của bản Noong Ỏ, xã Bon Phặng đã được người dân xây tường cao bao quanh và làm mái tôn che nên mùa mưa đã ngăn được đất đá và lá cây tràn vào bể