MENU TOP TITLE V A Nông nghiệp bền vữngBiến đổi khí hậuHoạt động mạng lướiVận động chính sáchSự kiện

Đối tác chiến lược của

noi that hoa phat

Ươm mầm cho những người trồng rừng

Huyện Phú Lương có diện tích rừng và đất rừng phòng hộ 3.550,4ha, chiếm 7,5% trong tổng số 47.232,6ha rừng và đất rừng phòng hộ của tỉnh Thái Nguyên. Để bảo vệ diện tích rừng phòng hộ và giúp người dân sống phụ thuộc vào rừng phát triển kinh tế từ rừng. Dự án VM055- do Trung tâm phát triển nông thôn bền vững SRD phối hợp với UBND huyện Phú Lương triển khai đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ người dân ở khu vực này.

Chúng tôi đến xóm Đồng Nghè II- xóm có diện tích rừng phòng hộ chủ yếu của xã Động Đạt khi người dân đang tích cực trồng rừng để thay thế những diện tích rừng mới khai thác. Anh Hoàng Văn Cảnh- xóm Đồng Nghè II cho biết " Thay vì trồng các loại cây keo như trước thì hiện nay gia đình tôi có rừng phòng hộ có rừng phòng hộ đã trồng cây bản địa như Trám Đen, Trám trắng, Sấu, Giổi, vừa để "giữ rừng đầu nguồn" vừa thu hoạch được quả, hạt và nhựa. Điều đáng nói là những giống cây bản địa người dân trồng trên những diện tích rừng đầu nguồn này lại do chính những người trồng rừng tự ươm trồng.

Anh Hoàng Văn Cảnh chia sẻ: "Trước chưa là rừng phòng hộ, rừng là rừng tự nhiên, trước đây thì rừng không bị ảnh hưởng nhiều lắm, nhưng sau này do khai thác nhiều quá mà gây ra sạt lở đất. Vì sát lở đất, nước cuốn, tre nứa trôi xuống sông suối nhiều lắm, tắc lại, gây ách tắc cho nguồn nước, làm nước tràn lên ruộng đồng. Trong quá trình được tập huấn bởi VM055, tôi thấy việc trồng cây bản địa giúp chống sạt lở đất, tạo ra môi trường trong sạch, mát. Trước mình trồng keo, sau khi khai thác trắng, nắng lên là đồi khô nứt nẻ, chúng tôi cảm thấy khó chịu oi bức."

DSC03709

Anh Hoàng Văn Cảnh - một trong những người dân địa phương tham gia dự án của SRD (Ảnh: SRD)

Tìm hiểu về quá trình ươm cây giống ở xóm Đồng Nghè II – xã Động Đạt chúng tôi được biết: Trước kia cứ mỗi vụ trồng rừng người dân trong xóm phải đi mua cây giống ở các vườn ươm trong xã hoặc các vùng lân cận. Do đường đi lại xa nên việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn đồng thời chất lượng cây giống không đảm bảo. Năm 2014, khi dự án vườn ươm thuộc Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững triển khai tại các xã Ôn Lương, Động Đạt, Yên Lạc và xóm Đồng Nghè II cũng là một trong những xóm trên địa bàn huyện được hưởng lợi trực tiếp từ dự án này. Với mục tiêu giúp những hộ dân trồng rừng đặc biệt là người dân tộc thiểu số sống phụ thuộc vào rừng hiểu được lợi ích của rừng mang lại cho đời sống cũng như giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Ngay từ khi triển khai dự án đã lấy người dân làm trung tâm trong các mô hình quản lý bảo vệ và phục hồi rừng phòng hộ. Không tập trung đầu tư như những dự án khác thì ở dự án vườn ươm đã lắng nghe những tâm tư, nhu cầu của người dân trong phát triển sinh kế từ rừng từ đó, dự án tập trung nâng cao năng lực tự thân của chính các hộ dân để bà con tự tìm ra phương án sinh kế phù hợp nhất với mình dựa trên các nguồn lực sẵn có tại địa phương.

Bà Vũ Thị Bích Hợp – Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững cho biết: "Biến đổi khí hậu có rất nhiều tác động tiêu cực, ví dụ hạn hán, mưa lũ lụt, sạt lở đất, và thời tiết bất thường. SRD triển khai dự án ở đây, mong muốn người nghèo bảo vệ rừng và được hưởng lợi từ rừng thông qua chương trình VM055. Các hoạt động như thay thế rừng keo bằng rừng cây bản địa, cây lâu năm, những cây này có thể về trước mắt chưa mang lại lợi ích cho người dân, nhưng về lâu dài họ sẽ được hưởng lợi từ đó. Về lâu dài hơn nữa, trong 10 năm tới, cộng đồng của chúng ta sẽ một môi trường rừng xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn."

IMG 2565

Bà Vũ Thị Bích Hợp trao đổi với phóng viên (Ảnh: SRD)

 Anh Hoàng Văn Ngọc – một trong những thành viên tham gia dự án cho biết: Trong phát triển rừng dự án đã định hướng và hỗ trợ bà con trồng rừng ở đây làm vườn ươm cây giống. Ban đầu là các cây giống bản địa như: Trám, Sấu, Giổi...và sau khi những mô hình này thành công dự án sẽ tiếp tục hướng dẫn về kỹ thuật để người dân có thể tự làm những vườn ươm với nhiều loại cây giống khác phục vụ nhu cầu trồng rừng của bà con nhân dân trong xóm cũng như các vùng lân cận. Đến nay sau 6 tháng triển khai, đã có 5 vườn ươm cộng đồng được xây dựng và bắt đầu đi vào hoạt động tại xóm Thâm Trung, Na Pặng của Ôn Lương; xóm Ó và Đồng Xiền của xã Yên Lạc, xóm Đồng Nghè 2 của xã Động Đạt.

DSC03745

Vườm ươm với các giống cây bản địa đang phát triển xanh tốt (Ảnh: SRD)

Những vườn ươm trên sau khi triển khai đã nhận được đánh giá cao của các hộ dân đến thăm quan mô hình của như của các nhà tài trợ cho dự án. Bà Fournier Perrine chuyên gia của tổ chức bảo tồn rừng đã nói: "Tôi rất vui vì đã hiểu hơn về các hoạt động dự án mà SRD đang triển khai nhằm bảo vệ rừng cũng như hỗ trợ người dân phát triển sinh kế. Nói chuyện trực tiếp với người dân địa phương, tôi thấy họ đang thực hiện nhiều mô hình phát triển sinh kế khác nhau. Điều này rất thú vị."

Cùng cán bộ Trung tâm phát triển nông thôn bền vững dạo một vòng quanh các diện tích rừng phòng hộ mới được trồng thay thế bên những mầm cây Giổi xanh tốt đang vươn cao dưới cái nắng hè chúng tôi hiểu với sự hỗ trợ của những tấm lòng tâm huyết từ những cán bộ dự án cùng với những thay đổi nhận thức của người dân trong bảo vệ, phát triển rừng thì sẽ còn có nhiều mầm cây khác cũng đang và sẽ lớn lên như thế trên những cánh rừng phòng hộ của huyện Phú Lương./.

 

Nhâm Mai – Quốc Dũng (Đài Phát thanh huyện Phú Lương, Thái Nguyên)

Bài phát thanh trên Đài phát thanh huyện Phú Lương, Thái Nguyên - Nghe bài phát thanh tại đây

Đối tác chiến lược ngành in

in bạt