Đối tác chiến lược của

noi that hoa phat

Tuyển dụng: Chuyên gia để triển khai mở rộng nghiên cứu “Đánh giá khả năng tuân thủ của các hộ gia đình sản xuất cà phê đối với qui định trách nhiệm giải trình của EUDR”

ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU HOẠT ĐỘNG

Tên dự án: Đánh giá khả năng tuân thủ của các hộ gia đình sản xuất cà phê đối với qui định trách nhiệm giải trình của EUDR

1.Bối cảnh

Ngày 06/12/2022, Ủy Ban châu Âu đã thông qua quy định các sản phẩm không gây mất rừng, suy thoái rừng được phép xuất nhập khẩu vào EU Viết tắt là EUDR. Sau khi được thông qua và đưa vào áp dụng, quy định sẽ đảm bảo rằng 07 hàng hóa chính[1] được đưa vào thị trường EU là các mặt hàng không gây mất rừng và suy thoái rừng. Quy định này giúp ngăn chặn đáng kể tình trạng mất rừng và suy thoái rừng toàn cầu, giảm phát thải khí nhà kính và bảo tồn đa dạng sinh học. Khi EUDR chính thức có hiệu lực, tất cả các công ty có liên quan đến các mặt hàng này sẽ phải tiến hành thẩm định nghiêm ngặt khi nhập khẩu vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ thị trường EU.

EUDR yêu cầu các doanh nghiệp, người sản xuất (nông dân) sẽ phải chứng minh rằng các sản phẩm đều không gây mất rừng (được sản xuất trên đất không phải là đất rừng sau ngày 31 tháng 12 năm 2020) và hợp pháp (tuân thủ tất cả các luật hiện hành có liên quan có hiệu lực tại quốc gia sản xuất). Quy định này không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ đa dạng sinh học mà còn giúp đảm bảo sinh kế của hàng triệu người, bao gồm cả người dân và cộng đồng địa phương trên khắp thế giới, những người phụ thuộc nhiều vào hệ sinh thái rừng. Đây là một thách thức lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam vào EU, trong đó có các sản phẩm cà phê - mặt hàng chiếm 16,1% thị phần EU và 40% tổng lượng tiêu thụ cà phê của Việt Nam.

Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về quy mô và năng suất cà phê. Diện tích và sản lượng cà phê có xu hướng tăng liên tục trong những năm gần đây. Năm 2022, diện tích trồng cà phê của cả nước là gần 700 nghìn ha, tổng sản lượng đạt hơn hai triệu tấn. Năng suất cà phê của Việt Nam đạt mức trung bình là 2,6 tấn/ha nhân đối với cà phê Robusta và 1,4 tấn nhân/ha đối với cà phê Arabica.

Tại Việt Nam, cà phê được phân bố trên 05 vùng sản xuất chính bao gồm Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, Bắc Trung bộ và các tỉnh Trung du Miền núi phía Bắc. Vùng Tây Nguyên ( bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) là vùng sản xuất cà phê lớn nhất của cả nước. Tây Nguyên có tổng diện tích cà phê khoảng 639.000 ha (chiếm tỷ lệ 92% so với cả nước), năng suất 28,5 tấn/ha (cao gấp 1,1 lần so với cả nước), sản lượng khoảng 2 triệu tấn (chiếm tỷ lệ 95% so với cả nước).

Cà phê Robusta, loại cà phê được sản xuất nhiều nhất ở Tây Nguyên của Việt Nam, có lượng caffeein lớn, được xuất khẩu nhiều nhất vào EU, và được pha trộn với các dòng cà phê khác tạo nên các thương hiệu cà phê nổi tiếng của thế giới. Trong đó, thị trường EU vẫn là thị trường chính của cà phê Việt Nam. Các yêu cầu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng nghiêm ngặt cùng với các quy định mới của EUDR, tạo ra thách thức lớn cho sản xuất và chế biến cà phê Robusta ở Tây Nguyên. Vì vậy việc đánh giá khả năng thực hiện trách nhiệm giải trình của EUDR sẽ có một ý nghĩa quan trọng trong phát triển cà phê một cách bền vững tại Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung.

Nhằm tiếp tục làm sâu thêm các kết quả nghiên cứu trước đó tại tỉnh Đắk Lắk của Tây Nguyên, cũng như có một kết quả nghiên cứu mang tính tổng thể, phản ánh thực trạng sản xuất cà phê đa dạng tại Việt Nam cũng như khả năng đáp ứng với EUDR tại các điểm khác nhau, Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) tuyển chuyên gia (Có thể là công ty hay nhóm tư vấn độc lập) để triển khai mở rộng nghiên cứu “Đánh giá khả năng tuân thủ của các hộ gia đình sản xuất cà phê đối với qui định trách nhiệm giải trình của EUDR”. Nghiên cứu này được tài trợ bởi dự án “Thúc đẩy quản trị rừng và Thương mại gỗ bền vững thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -EU (EVFTA)”.

2.Mục tiêu

Mục tiêu chung

Đánh giá khả năng tuân thủ của các hộ sản xuất cà phê (bao gồm cả Robusta và Arabica) đối với quy định của EU về các sản phẩm không gây mất rừng và suy thoái rừng, đề xuất các giải pháp hỗ trợ để cải thiện năng lực và đảm bảo tuân thủ của hộ trồng cà phê.

Mục tiêu cụ thể

Đánh giá mức độ tuân thủ của nông dân trồng cà phê đối với các yêu cầu thực hiện trách nhiệm giải trình của EUDR.

Đề xuất các biện pháp hỗ trợ, đào tạo và phát triển cần thiết để nâng cao khả năng tuân thủ của các hộ sản xuất là người Kinh và người đồng bào DTTS đối với các yêu cầu của EUDR

3.Nội dung công việc

-          Rà soát đề cương nghiên cứu tổng thể, và xây dựng kế hoạch thực hiện nghiên cứu.

-          Chỉnh sửa lại bộ công cụ nghiên cứu để phù hợp với tình hình thực tế tại tỉnh Điện Biên.

-          Điều tra, khảo sát các đối tượng liên quan thông qua phỏng vấn bằng bảng câu hỏi cũng như các phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm nhằm đánh giá khả năng sẵn sàng của họ đối với việc tuân thủ quy trình thẩm định của EUDR.

-          Xử lý phân tích số liệu thu thập từ điều tra, khảo sát

-          Xây dựng báo cáo

-          Xây dựng đề xuất kiến nghị các giải pháp hỗ trợ

-          Trình bày kết quả nghiên cứu với các bên liên quan

-          Phát triển các bản tin chính sách

4.Phương pháp

Chọn điểm nghiên cứu

-          Xây dựng các tiêu chí

-          Thảo luận với các bên liên quan

Điều tra thu thập thông tin định lượng

-          Chỉnh sửa lại bảng hỏi nghiên cứu

-          Thảo luận với các thành viên tham gia

-          Chuyển tải bảng hỏi lên Kobo Toolbox

-          Tập huấn, hướng dẫn cho các điều tra viên

-          Giám sát quá trình triển khải điều tra

Điều tra thu thập thông tin định tính

-          Chỉnh sửa lại bảng kiểm phỏng vấn các đối tượng chủ chốt trong chuỗi cà phê

-          Làm việc trực tiếp với các bên liên quan để thu thập thông tin

Phương pháp xử lý số liệu, xây dựng báo cáo

-          Xử lý số liệu, phân tích số liệu bằng phần mềm chuyên dụng như R, SPPS, Nvivo

-          Xây dựng báo cáo

5.Phạm vi nghiên cứu

Nghiên cứu này sẽ được triển khai trên địa bàn tỉnh Điện Biên

-          Đối tượng điều tra là các hộ sản xuất cà phê Arabica trên địa bàn 2 xã

-          Phỏng vấn các bên liên quan bao gồm các nhà quản lý, kinh doanh, sản xuất trong chuỗi giá trị cà phê của Điện Biên.

Việc điều tra tập trung vào cả 2 nhóm đối tượng là nhóm người đồng bào dân tộc và nhóm người dân tộc Kinh vì nó sẽ phản ánh những đặc điểm điểm đặc trung của các nhóm hộ, đồng thời cũng sẽ thể hiện sự khác nhau về các yếu tố văn hoá, đặc điểm canh tác của các nhóm hộ đang tham gia sản xuất cà phê.

6.Kết quả mong đợi

1/ Bộ cơ sở dữ liệu làm căn cứ thực hiện các giám sát trong tương lai

2/ Báo cáo kết quả nghiên cứu

3/ Bản tin chính sách (Đề xuất các giải pháp, các chính sách nhằm hỗ trợ hộ sản xuất cà phê thực hiện đầy đủ các yêu cầu của EUDR).

7.Dự trù kinh phí, nhân lực

7.1.       Kinh phí: Tổng kinh phí tối đa cho chuyên gia là 165 triệu VND, trong đó số ngày công tối đa cho từng vị trí như sau.

Trưởng nhóm: 15 ngày công

Phó nhóm: 27 ngày công

Thành viên: 9 ngày công

Kinh phí chi trả cho các hoạt động nghiên cứu tại hiện trường sẽ do SRD chi trả.

7.2.       Nhân lực

Trưởng nhóm nghiên cứu: Tiến sĩ hay Thạc sĩ về kinh tế, lâm nghiệp, nông nghiệp có ít nhất 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành nông nghiệp. Trưởng nhóm nghiên cứu chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ dự án nghiên cứu, bao gồm: Định hướng nghiên cứu, giám sát, viết báo cáo, đảm bảo chất lượng của quá trình nghiên cứu, lấy góp ý từ các bên liên quan.

Phó nhóm: Có bằng thạc sĩ hay cử nhân về nông nghiệp, lâm nghiệp, kinh tế, xã hội học. Có ít nhất 7 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu về nông nghiệp phát triển nông thôn. Vai trò của phó trưởng nhóm là hỗ trợ trưởng nhóm trong việc quản lý, triển khai các hoạt động nghiên cứu, tham gia làm sạch và xử lý số liệu, viết và phụ trách các phần cụ thể của báo cáo.

Thành viên: Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, điều tra, thu thập, phân tích và xử lý thông tin. Chuyên gia này có nhiệm vụ phối hợp với trưởng nhóm và phó trưởng nhóm trong phân tích, xử lý số liệu thu thập theo yêu cầu đặt ra trong nghiên cứu, đảm bảo tính chính xác của số liệu.

8.Kế hoạch thực hiện

Các hoạt động nghiên cứu sẽ được tiến hành trong khoảng thời gian 2 tháng, từ tháng 6/2024 và sẽ kết thúc vào giữa tháng 8 năm 2024.

9.Thời hạn nộp đề xuất

+ Hồ sơ cần nộp trực tiếp trước 17h00’ ngày 20/6/2024 (Không nộp qua đường gửi Email)

+ Nơi nhận: Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) số 31 Ngõ 19, Phố Kim Đồng, P. Giáp Bát- Hoàng Mai-Hà Nội

Đầu mối liên hệ:

 Quản lý dự án: Ông Nguyễn Phú Hùng, Tel.: +84 912094190; Mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

 
Đối tác chiến lược ngành in

in bạt