Đối tác chiến lược của

noi that hoa phat

Tuyển Chuyên gia thực hiện "Nghiên cứu vấn đề giới trong hoạt động trồng rừng và chế biến gỗ quy mô nhỏ và siêu nhỏ nhằm giám sát thực thi Hiệp định VPA/FLEGT" (2)

Chương trình “Quản trị rừng, Thị trường và Khí hậu (FGMC)

ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU HOẠT ĐỘNG

Chuyên gia tư vấn thực hiện khảo sát thông tin Nghiên cứu vấn đề giới trong hoạt động trồng rừng và chế biển gỗ quy mô nhỏ và siêu nhỏ nhằm giám sát thực thi hiệp định VPA/FLEGT”

 

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (viết tắt là VPA-FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) được ký ngày 19/10/2018, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/06/2019 thể hiện quyết tâm lớn của chính phủ Việt Nam trong thực hiện quản trị rừng cũng như phát triển ngành chế biến gỗ một cách bền vững. Với cam kết mạnh mẽ, tất cả gỗ và sản phẩm gỗ, dù là xuất khẩu (đi EU hoặc bất kỳ lãnh thổ/quốc gia nào khác) hay tiêu thụ trên thị trường nội địa, đều phải là gỗ hợp pháp. Theo đó, gỗ và sản phẩm gỗ sẽ được quản lý từ khai thác, nhập khẩu, xử lý tịch thu, vận chuyển, mua bán, chế biến, xuất khẩu phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, các quy định liên quan của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và pháp luật có liên quan của quốc gia nơi khai thác gỗ xuất khẩu vào Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện, các tác động của VPA-FLEGT đối với sinh kế và sự an toàn của phụ nữ và các nhóm xã hội khác cần được giám sát chặt chẽ. Yêu cầu này đã được đề cập trong Điều 16 của Hiệp định về các biện pháp bảo vệ xã hội: “để giảm thiểu tác động bất lợi có thể xảy ra trong Hiệp định, các bên sẽ đánh giá tác động đối với đời sống người dân tộc thiểu số và cộng đồng địa phương có liên quan, cũng như các hộ gia đình và ngành gỗ”. Để giám sát tác động xã hội, cần các chỉ số liên quan được phân biệt theo giới và dữ liệu phân tách theo giới được thu thập và phân tích một cách có hệ thống. Mặc dù giới không được đề cập cụ thể trong VPA, nhưng một số chỉ số quan trọng trong Định nghĩa hợp pháp về gỗ của Việt Nam (Phụ lục II của VPA) có khía cạnh giới được xây dựng sẵn, phản ánh cách thức mà giới hiện được lồng ghép vào nhiều lĩnh vực pháp luật và quy định liên quan, bao gồm các chỉ số về quyền sử dụng đất và quyền sử dụng rừng, và bộ luật lao động và các quyền phúc lợi xã hội.

Ngành Lâm nghiệp Việt Nam trong thời gian qua đã có sự phát triển mạnh mẽ, thu hút và tạo việc làm cho khoảng 5 triệu lao động[1]. Phụ nữ là lực lượng lao động chính trong chuỗi sản xuất lâm nghiệp bao gồm trồng rừng, bảo vệ, sử dụng, chế biến và xuất khẩu. Trong ngành chế biến gỗ hơn 50% lao động là phụ nữ. Phụ nữ còn đóng vai trò quan trọng trong quản lý và bảo vệ rừng với hơn 10 triệu người sống gần và trong những khu rừng[2]. Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong ngành lâm nghiệp, phụ nữ vẫn đang là đối tượng dễ bị tổn thương trong lĩnh vực này. Nghiên cứu của SRD thực hiện năm 2018 tại 4 tỉnh cho thấy 3 khía cạnh của bất bình đẳng giới bao gồm (i) Phụ nữ thường không có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp mà chủ yếu là do chồng đứng tên, (ii) Lao động nam có công việc ổn định và tiền lương hàng tháng cao hơn so với lao động nữ, (iii) Phụ nữ ít có khả năng tham gia các khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ về chế biến gỗ[3]. Tương tự, báo cáo về “Phân tích hiện trạng Giới và FLEGT tại Việt Nam” của Edwin Shanks năm 2020[4] cho thấy rằng tình trạng bất bình đẳng giới trong lâm nghiệp Việt Nam vẫn còn tồn tại ở nhiều khía cạnh và tác giả cho rằng cần nhiều hơn các nghiên cứu phân tích dữ liệu ở cấp địa phương để hiểu đầy đủ về giới và các khía cạnh kinh tế - xã hội khác trong các phân đoạn khác nhau của ngành lâm nghiệp. Cụ thể, trong phân tích giới và FLEGT, báo cáo đề xuất các hướng nghiên cứu trong tương lai bao gồm (i) cần thu thập bằng chứng thống kê và cập nhật về tình hình thực tế đối với việc giao đất rừng hộ gia đình ở các vùng khác nhau; (ii) cách thức mà phụ nữ hưởng lợi từ thu nhập từ nông nghiệp, lâm nghiệp; (iii) cần có những nghiên cứu sâu hơn để định lượng và đánh giá sự đóng góp kinh tế hiện có và tiềm năng trong tương lai của lực lượng lao động, bao gồm cả nam và nữ, vào sự phát triển của ngành lâm nghiệp; (iv) các yếu tố tạo sự phân biệt đối xử về tiền lương và chênh lệch tiền lương theo giới tồn tại trong ngành lâm nghiệp; (v) các vấn đề liên quan đến đảm bảo việc làm cho phụ nữ làm việc trong lĩnh vực chế biến; và (vi) mức độ tuân thủ hiện tại của bộ luật lao động và các quy định về phúc lợi xã hội trong ngành gỗ và các vấn đề giới liên quan ảnh hưởng đến phụ nữ, nam giới.

Trong bối cảnh của FLEGT, chủ đề quyền sử dụng tài nguyên đất và rừng liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của gỗ và các lâm sản khác. Vấn đề này bao gồm các khía cạnh giới trong quyền và thực tiễn sử dụng đất và tài nguyên rừng. Việc thực hiện VPA mang lại cơ hội để thu hút và trao quyền cho phụ nữ thông qua việc cải thiện tuân thủ các yêu cầu về tính pháp lý, như liên quan đến quyền của người dân rừng bản địa, cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, hộ nông dân hoặc các nhóm người sử dụng rừng khác, và liên quan đến rừng trồng, nhượng quyền rừng, rừng cộng đồng. Một số các chỉ số cơ bản để phân tích giới trong chủ đề này như: tỷ lệ hộ được cấp quyền sử dụng đất, tỷ lệ chủ hộ là nữ, hay khác biệt giới trong các loại hình giao khoán khác nhau. Trong khi đó, cơ hội kinh tế và việc làm trong sản xuất rừng và ngành lâm nghiệp dưới bối cảnh FLEGT xem xét đến các quyền về cơ hội tăng thu nhập và cải thiện sinh kế cho phụ nữ và nam giới trong sản xuất rừng và các ngành liên quan. Các chủ đề này có thể bao gồm đặc điểm việc làm của các phân khúc khác nhau của ngành lâm nghiệp và trong nền kinh tế chính thức và phi chính thức. Một số chỉ số cơ bản có thể liệt kê là đặc điểm nghề nghiệp tại nơi làm việc; bình đẳng và chênh lệch về tiền lương và thu nhập giữa nam và nữ; các vấn đề liên quan đến đảm bảo việc làm và phúc lợi cho lao động nữ làm việc trong lĩnh vực chế biến gỗ.

Mặc dù chủ đề giới trong lâm nghiệp đã nhận được sự chú ý của nhiều các nhân và tổ chức trong những năm gần đây với một loạt các tiêu chí đánh giá, tuy nhiên, như Edwin (2020) báo cáo, kết quả thường không như mong đợi, các báo cáo này mới chỉ dừng lại ở các tiêu chí/chỉ số định lượng và dựa trên các số liệu thống kê thứ cấp. Vì thực tế ngành lâm nghiệp năng động và phức tạp hơn nhiều, nên cần sự hiểu biết đầy đủ hơn, chi tiết hơn, kết hợp cả dữ liệu định lượng và phân tích định tính để hiểu được bổi cảnh thực tế và phân tách các vấn đề dưới nhiều góc độ thực tế. Ví dụ, báo cáo mới nhất của tổ chức lao động thế giới[5] (ILO, 2021) cho thấy rằng tỷ lệ tham gia thị trường lao động của phụ nữ ở Việt Nam ở mức cao đáng kể. Tuy nhiên, họ cũng lập luận rằng nếu chỉ dựa trên chỉ số để nói về mức độ bất bình đẳng giới tương đối thấp ở Việt Nam là không chính xác. Cần phải xem xét nhiều yếu tố khác nhau trong thực tế, ví dụ như chất lượng và môi trường việc làm của lao động nam và nữ, các công việc dễ bị tổn thương, phụ nữ có thường phải mang “gánh nặng kép” hay không? Hiểu được bản chất và số liệu thực tế như vậy là rất quan trọng để đưa ra những kết luận và khuyến nghị có ý nghĩa trong tương lai.

Các hộ gia đình trồng rừng và khai thác rừng, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là 2 nhóm đối tượng đầu tiên và quan trọng nhất trong chuỗi giá trị sản xuất gỗ. Đây là 2 nhóm đối tượng được đánh giá là chịu tác động tiềm tàng của VPA đến sinh kế. Các doanh nghiệp nhỏ (và chủ yếu là siêu nhỏ) có mối gắn bó chặt chẽ với khoảng 30 làng nghề đồ gỗ của 2000-3000 hộ gia đình với 3000-8000 lao động, cũng như 1,4 triệu hộ gia đình trồng rừng hoặc có đất lâm nghiệp[6]. Ước tính có khoảng 2-3 triệu phụ nữ làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hoặc hộ gia đình liên quan đến các hoạt động trồng và chế biến các sản phẩm gỗ để bán trong nước và xuất khẩu trên thế giới[7]. Mặc dù vậy, còn rất ít nghiên cứu về các vấn đề bất bình đẳng giới tới 2 nhóm đối tượng này nhằm cung cấp cơ sở dữ liệu tham chiếu cho việc giám sát đánh giá tác động của VPA/FLEGT tại Việt Nam.

Trước thực tế trên, nghiên cứu này sẽ tập trung khảo sát nghiên cứu thực địa nhằm thu thập dữ liệu (định tính và định lượng) và phân tích các vấn đề giới trong các hộ trồng rừng và các doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ nhỏ và siêu nhỏ (small and micro-enterprises- sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu và đề xuất các chỉ số giám sát tác động của VPA-FLEGT hướng tới bình đẳng giới và quản lý bền vững hơn cho các nông hộ và doanh nghiệp trên thực tế. Các cơ sở chỉ số định lượng và phân tích định tính về giới trong nghiên cứu sẽ góp phần nhằm đảm bảo giám sát tác động xã hội trong Khung giám sát và đánh giá tác động VPA/FLEGT phê duyệt tại Quyết định số 2/2021 của Ủy ban thực thi chung (JIC), cụ thể: (Tác động 1A) việc sử dụng lao động trong các doanh nghiệp cung ứng gỗ tuân thủ các quy định của Chính phủ Việt Nam, bao gồm các cam kết EVFTA; (Tác động 1B) Cải thiện sinh kế của phụ nữ và người dân tộc thiểu số và cộng đồng vùng sâu vùng xa liên quan đến kinh doanh chuỗi cung ứng gỗ và không gây ảnh hưởng đến văn hóa và điều kiện môi trường; và góp phần (Tác động 5C) Công bố công khai và cho phép sự tham gia tích cực của các bên liên quan trong giám sát chuỗi cung ứng gỗ và sử dụng trong các báo cáo đánh giá. Các kết quả nghiên cứu đồng thời sẽ góp phần tham chiếu cho các mục tiêu bình đẳng giới trong Hiến pháp 2013 (Điều 26); Luật bình đẳng giới (2006) tại Điều 4 và Điều 6; Luật lâm nghiệp (2017) tại Khoản d, Điều 10, và mục tiêu của “Chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Các câu hỏi trung tâm cần được ưu tiên giải quyết trong nghiên cứu này, đó là:

(1)     Liệu có sự bất bình đẳng giới về phân công lao động, cơ hội tiếp cận và sử dụng các nguồn lực, lợi ích và cơ hội trong các hộ trồng rừng và các doanh nghiệp chế biến gỗ nhỏ và siêu nhỏ (sau đây gọi là doanh nghiệp) hay không?

(2)     Đâu là nguyên nhân gốc rễ (root-cause) của những vấn đề bất bình đẳng giới này? Các giải pháp nhằm tăng cường bình đẳng giới trong sản xuất lâm nghiệp là gì?

SRD cần tuyển một chuyên gia chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động với nội dung chi tiết như sau:

2. MỤC TIÊU VÀ PHƯƠNG PHÁP TRIỂN KHAI VÀ KẾT QUẢ MONG ĐỢI

2.1. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

Khảo sát đánh giá nhằm thu thập cơ sở dữ liệu và xác định các vấn đề bất bình đẳng giới trong các các hộ gia đình trồng rừng và các doanh nghiệp, phân tích nguyên nhân và đưa ra các khuyến nghị nhằm vận động chính sách, đề xuất các chỉ số nhằm hỗ trợ cho giám sát và đánh giá tác động của VPA-FLEGT.

2.2. Mục tiêu cụ thể

  • Xác định và phân tích vai trò giới trong hoạt động trồng rừng và chế biến gỗ;
  • Xác định các vấn đề bất bình đẳng giới và nguyên nhân của vấn đề bất bình đẳng giới trong trồng rừng và chế biến gỗ;
  • Đưa ra các khuyến nghị để vận động chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong trồng rừng và chế biến gỗ;
  • Đề xuất khung chỉ số nhằm hỗ trợ giám sát và đánh giá tác động về giới và xã hội khi thực hiện VPA-FLEGT.

2.2. Kết quả mong đợi

-          Tham gia và phối hợp với các chuyên gia khác xây dựng bảng hỏi cho các hộ gia đình trồng rừng, các doanh nghiệp chế biến gỗ quy mô nhỏ và siêu nhỏ;

-          Thực hiện thu thập thông tin tại các hộ gia đình hộ gia đình trồng rừng, các doanh nghiệp chế biến gỗ quy mô nhỏ và siêu nhỏ tại huyện Trấn Yên và Yên Bình, tỉnh Yên Bái;

-          Tổng hợp dữ liệu và thu thập thông tin liên quan vấn đề giới tại các hộ trồng rừng và doanh nghiệp chế biến gỗ quy mô nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn hai huyện Yên Bình và Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

3. CÁC HOẠT ĐỘNG THỜI GIAN THỰC HIỆN

Các hoạt động được thực hiện từ 25/02/2022 đến 15/03/2022, thời gian dự kiến hoàn thành từng hoạt động được thể hiện trong bảng dưới đây:

 

Ngày/Date

Hoạt động/ Activities

Địa điểm/Place

Số ngày/ Days

25/02/2022 – 3/3/2022

Trao đổi và xây dựng bảng hỏi cho hộ gia đình trồng rừng, các doanh nghiệp chế biến gỗ quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Hà Nội

04

04 – 09/03/2022

Thu thập thông tin các hộ gia đình trồng rừng, các doanh nghiệp chế biến gỗ quy mô nhỏ và siêu nhỏ tại hai huyện Yên Bình và Trấn Yên, tỉnh Yên Bái

Yên Bái

06

10 – 15/03/2022

Tổng hợp dữ liệu và thông tin đã thu thập tại các hộ trồng rừng và doanh nghiệp chế biến gỗ quy mô nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn hai huyện Yên Bình và Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Hà Nội

05

 

Tổng

 

15

4. NHIỆM VỤ CỦA CHUYÊN GIA NGHIÊN CỨU

Chuyên gia nghiên cứu sẽ chịu trách nhiệm cụ thể như sau:

  • Phối hợp với các chuyên gia khác trao đổi và góp ý về nội dung nghiên cứu;
  • Trao đổi với các chuyên gia khác về nội dung cho bảng khảo sát thông tin đối với Tổng hợp dữ liệu và thu thập thông tin liên quan vấn đề giới tại các hộ trồng rừng và doanh nghiệp chế biến gỗ quy mô nhỏ và siêu nhỏ;
  • Tham gia khảo sát và thu thập thông tin của các doanh nghiệp và cộng đồng hộ trồng rừng trên địa bàn 4 xã của hai Huyện Trấn Yên và Yên Bình, tỉnh Yên Bái;

-          Tổng hợp số liệu đã thu thập thông tin liên quan vấn đề giới tại các hộ trồng rừng và doanh nghiệp chế biến gỗ quy mô nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn hai huyện Yên Bình và Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

7. YÊU CẦU ĐỐI VỚI CHUYÊN GIA

  • Chuyên môn và kinh nghiệm về lĩnh vực lâm nghiệp, quản lý tài nguyên và những lĩnh vực liên quan;
  • Có kinh nghiệm làm việc với cộng đồng và các doanh nghiệp chế biến gỗ;
  • Có mối quan hệ với các cấp địa phương trên địa bàn tỉnh;
  • Kỹ năng phỏng vấn cộng đồng và các hộ dân;

8. HỖ TRỢ TỪ SRD

  • Nhóm cán bộ dự án của SRD sẽ phối hợp chặt chẽ với chuyên gia để thực hiện công việc (bao gồm hỗ trợ tổ chức, liện hệ với các bên liên quan, công tác hậu cần,…);
  • Cung cấp đầy đủ các tài liệu cần thiết;
  • Thanh toán thù lao tư vấn cho chuyên gia;

Các chuyên gia quan tâm xin gửi CV, thư bày tỏ nguyện vọng đến địa chỉ This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. chậm nhất trước ngày 18 tháng 2 năm 2022



[1] Triệu Văn Hùng, Phạm Thu Thủy, Đào Thị Linh Chi. Kết quả thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006–2020 và đề xuất nội dung Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050. CIFOR. 2020.

[2] Vietnam Administration of Forestry. Vietnam VPA-FLEGT with EU: Current status and Gender Nexus. Seminar on Gender Equality and Social Inclusion in FLEGT: Policy Prospects and Implications, Ha Noi 30 August 2018.

[3] Nguyen Thanh Hien and Vu Thi Bich Hop. Gender issues in forestry: Key findings from a VPA impact monitoring baseline survey in 4 provinces. 2018

[4] Edwin Shanks. Situation analysis of Gender and FLEGT in Vietnam, 2020.

[5] ILO (2021). Giới và thị trường lao động Việt Nam. Tóm tắt nghiên cứu.

[6] Nguyễn Việt Dũng, Nguyễn Thanh Hiền, 2020. Khung chỉ số và báo cáo cơ sở. Giám sát tác động của Hiệp định VPAFLEGT đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành công nghiệp chế biến gỗ ở Việt Nam. Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững (SRD), Việt Nam

[7] Foresttrends (2019). Gender and wood-based value chains in Vietnam. Report.

Đối tác chiến lược ngành in

in bạt