Kinh tế xanh có mang lại lợi ích cho người nghèo?

ThienNhien.Net – Trước thềm Hội nghị Liên Hợp quốc về Phát triển bền vững (Rio+20) diễn ra vào cuối tháng 6 này, Mạng lưới Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương (APRN) phối hợp với Trung tâm Nông thôn Bền vững (SRD) tổ chức hội thảo với tựa đề “Hội nghị Rio: Tăng cường năng lực của người dân trong phát triển bền vững đích thực”.

Mục tiêu của hội thảo nhằm chia sẻ thông tin về các vấn đề liên quan đến Rio+ 20 cho các tổ chức xã hội dân sự châu Á, và thu thập các ý kiến từ các tổ chức xã hội dân sự để tổng hợp, gửi thông điệp và các kiến nghị tới Hội nghị Rio+20.

Hội nghị Rio+20 tập trung vào hai nội dung chính là kinh tế xanh và xóa đói giảm nghèo trong khuôn khổ phát triển bền vững. Kinh tế xanh được hiểu là một trong những cách thức nâng cao đời sống của con người và thúc đẩy công bằng xã hội, trong khi làm giảm thiểu đáng kể rủi ro cho môi trường và cạn kiệt tài nguyên. Tuy nhiên, vẫn còn những tranh cãi xung quanh khuynh hướng chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, có ý kiến cho rằng phát triển kinh tế xanh chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà chưa phản ánh được tiếng nói của người dân.

Một số đại biểu tại hội thảo cho rằng chỉ những nước giàu có, những tập đoàn, doanh nghiệp mới có vốn, năng lực và cơ hội tiếp cận, đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế xanh như năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, cải thiện phương pháp xử lý chất thải….trong khi lợi ích mà người nghèo được hưởng không tương xứng.

Những quy định về tiêu chí những sản phẩm xanh sẽ được đặt ra cho toàn thế giới trong khi những nước nghèo, nước đang phát triển không phải ngay lập tức có thể thay đổi nhận thức, công nghệ cũng như cơ sở vật chất hạ tầng để sản xuất được những sản phẩm đáp ứng những tiêu chí ấy. Các vấn đề về quyền con người, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, các chiến lược và chính sách cấp quốc gia trong phát triển bền vững cũng sẽ được thảo luận tại hội thảo.

Hội thảo diễn ra trong 3 ngày từ 05-07/06/2012 tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện nhiều tổ chức cộng đồng và các tổ chức xã hội dân sự đến từ 30 quốc gia thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ Latinh. Ngoài các tổ chức xã hội, một số cơ quan Nhà nước của Việt Nam cũng cử đại biểu tham gia.

APRN là một mạng lưới quốc tế bao gồm các tổ chức phi chính phủ hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu. Hoạt động của APRN hướng tới phát triển bền vững không chỉ trong các vấn đề môi trường mà còn trong các vấn đề kinh tế – xã hội, thông qua nghiên cứu, vận động và phát triển năng lực. Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1997, hoạt động của APRN nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiên cứu hỗ trợ tuyên truyền về các vấn đề liên quan đến tác động của tự do hóa thương mại và đầu tư ở châu Á. APRN cũng theo đuổi các vấn đề xã hội khác nhau, chủ yếu là quyền của người lao động và phụ nữ, vai trò của nhân dân và các tổ chức, phong trào nhân dân trong phát triển.